Thuật ngữ “vật quyền” trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

05/10/2015
 

Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015 về việc ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tại Phần II của Dự thảo Bộ luật này một khái niệm mới rất được giới luật gia, giới lập pháp và các tầng lớp nhân dân quan tâm, đó là thuật ngữ “vật quyền”.

Tại các nước trên thế giới, thuật ngữ “vật quyền được xuất hiện cách đây 1.500 năm, tại Bộ luật Napoléon (1804) - Bộ luật Dân sự đầu tiên trên thế giới đã quy định “vật quyền”; đến thời hiện đại, Bộ luật Dân sự của Nhật Bản cũng quy định “vật quyền” tại Phần hai; Bộ Luật Dân sự của Đức, quy định chung về “vật quyền” tại Phần một. Tại Việt Nam việc đưa thuật ngữ “vật quyền” vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là rất cần thiết.

Hiện nay, việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền” hoàn toàn mới và khó hiểu và gây nhiều tranh cãi trong giới Luật học cũng như giới lập pháp và các tầng lớp nhân dân. Để có cơ sở cho việc chấp nhận hay phủ nhận thuật ngữ này chúng ta cần tìm hiểu từ khái niệm đến nội dung và những tác dụng và sự cần thiết của khái niệm này trong thực tiễn.

 Để làm rõ khái niệm này chúng ta cần tìm hiểu tại sao lại xuất hiện khái niệm “vật quyền”. Để lý giải điều này chúng ta cần xem xét lý do xuất hiện quyền sở hữu (là vật quyền của trung tâm của hệ thống vật quyền) và các loại vật quyền khác ngoài quyền sở hữu (hay còn gọi các loại vật quyền hạn chế).

Trước hết chúng ta tìm hiểu lý do xuất hiện quyền sở hữu. Con người muốn tồn tại thì phải có các vật thể để đáp ứng các nhu cầu về vật chất, tinh thần của mình. Ví dụ như: nhà ở, xe cộ,  lương thực...Để các vật thể này có thể đáp ứng được nhu cầu cho mình thì người có vật phải được quyền làm chủ nó, tức là phải có quyền tác động trực tiếp lên vật theo ý chí và yêu cầu của mình. Đồng thời, phải có quyền không cho phép những người khác tiếp cận cũng như quản lý, khai thác, sử dụng tài sản đó. Muốn giúp người có vật thực hiện quyền này một cách hợp pháp thì nhà nước phải thông qua pháp luật để quy định họ có những quyền nhất định đối với tài sản của mình cũng như cấm người khác thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện quyền của người có vật. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhà nước đã ban hành chế định quyền sở hữu để tạo cơ sở pháp lý cho người có vật thống trị đối với tài sản của mình. Tóm lại, nhà nước phải hỗ trợ người có vật bằng cách ban hành các chế định quyền sở hữu để tạo cơ sở pháp lý cho người có vật thống trị đối với tài sản của mình và loại trừ khả năng người khác xâm phạm đến quá trình chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu. Đó là lý do phát sinh quyền sở hữu tài sản.

- Lý do xuất hiện các loại vật quyền khác ngoài quyền sở hữu. Nhu cầu con người là rất đa dạng và phong phú; trong khi đó, không phải người nào cũng có tài sản riêng của mình để có thể sử dụng và thỏa mãn các nhu cầu của mình. Vì vậy, họ chỉ có thể thỏa mãn các nhu cầu của mình thông qua việc sử dụng tài sản của người khác. Ngược lại, một số người có tài sản thì không bao giờ có nhu cầu trực tiếp sử dụng khai thác tài sản của mình. Do đó, xuất hiện “gặp nhau” về mặt nguyện vọng cũng như về mặt lợi ích giữa người có tài sản và người không có tài sản trong việc khai thác công dụng của tài sản. Ví dụ, chủ sở hữu tài sản có thể cho người khác một vài quyền trên tài sản của mình và người này được phép thực hiện các quyền ấy trên tài sản được giao theo quy định của pháp luật và theo ý chí của chủ sở hữu. Các quyền này có nội dung khác nhau có phạm vi áp dụng khác nhau nhưng đều giống nhau ở chổ, chúng đều phát sinh từ quyền sở hữu và có nội dung hẹp hơn quyền sở hữu. Chính vì vậy, các vật quyền này được gọi chung là vật quyền hạn chế. Như vậy, theo lý thuyết vật quyền thì trên một vật có thể có nhiều vật quyền được thiết lập, ví dụ: trên vườn cây có thể có vật quyền là quyền sở hữu, có một vật quyền khác nữa là vật quyền hưởng dụng hoặc vật quyền thế chấp. Đối với mảnh đất có thể có vừa có vật quyền sở hữu (sở hữu toàn dân về đất đai), vừa có vật quyền sử dụng, vừa có một vật quyền khác là quyền địa dịch.

Vậy vật quyền được hiểu theo hai nghĩa khác nhau: theo nghĩa chủ quan và theo nghĩa khách quan.

- Theo nghĩa chủ quan thì vật quyền là quyền của một chủ thể nhất định đối với một tài sản nhất định, cho phép chủ thể này trực tiếp thực hiện các quyền năng được pháp luật thừa nhận đối với tài sản đó. Theo nghĩa này thì vật quyền là quyền đối với vật.

- Theo nghĩa khách quan thì vật quyền là toàn bộ các quy phạm  pháp luật quy định về vật với tư cách là đối tượng của vật quyền, nội dung của các loại vật quyền, căn cứ phát sinh, chấm dứt các loại vật quyền, nguyên tắc thực hiện, bảo vệ vật quyền, các hạn chế mà người có vật quyền phải tuân thủ khi thực hiện các quyền năng của mình. Trong Bộ luật Dân sự hiện hành thì toàn bộ Phần “Tài sản và quyền sở hữu” và Phần “quyền sở hữu và các vật quyền khác” ở Phần II của Dự thảo Bộ luật Dân sự chính là vật quyền hiểu theo nghĩa khách quan. Nói cách khác, theo nghĩa khách quan thì vật quyền chính là pháp luật về vật và về các quyền của chủ sở hữu và không phải là chủ sở hữu đối với vật.

Vật quyền được chia làm hai loại là quyền sở hữu và các loại vật quyền khác. Quyền sở hữu là quyền đối với vật của mình, các vật quyền khác là quyền đối với vật của người khác (hay còn gọi là vật quyền hạn chế). Các vật quyền khác theo  quy định tại Điều 183 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gồm: quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên và các quyền khác theo quy định của luật. Các loại vật quyền hạn chế có nhiều điểm khác nhau, nhưng đều có chung các đặc điểm sau đây:

- Một là, đều có tính phát sinh từ một quyền sở hữu nào đó. Điều này có nghĩa là, trước một vật quyền hạn chế bao giờ cũng có một vật quyền gốc là quyền sở hữu.

- Hai là, nội dung các vật quyền hạn chế luôn mang tính không đầy đủ, không trọn vẹn, chính vì vậy người ta gọi các quyền này là vật quyền hạn chế.

Việc áp dụng lý thuyết “vật quyền” vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với các lý do chủ yếu sau:

- Một là, vận dụng lý thuyết vật quyền giúp chúng ta có cơ sở khoa học vững chắc để xác định đúng bản chất pháp lý của những quyền đối với tài sản đã và đang tồn tại trong nên kinh tế nước ta, khắc phục những tồn tại hạn chế trong các quy đinh hiện hành liên quan đến quyền sở hữu, trên cơ sở đó xây dựng được một hệ thống vật quyền phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Hai là, việc áp dụng lý thuyết vật quyền giúp chúng ta xây dựng được một hệ thống các quyền đối với vật một cách đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho viêc sử dụng một cách hiệu quả các nguồn tài sản, tài nguyên thiên nhiên của đất nước, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

- Ba là, việc sử dụng thuật ngữ vật quyền còn đem lại nhiều lợi ích cho hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta, thể hiện ở những điểm sau đây:

+ Thứ nhất, thuật ngữ pháp lý “vật quyền” từ lâu đã trở thành ngôn ngữ pháp lý chung của nhân loại. Chủ trương hội nhập quốc tế của Nhà nước ta chỉ có thể được thực hiện một cách trôi chảy và hiệu quả khi trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có lĩnh vực pháp luật dân sự, thương mại, Việt Nam nói tiếng nói chung của nhân loại. Việc Việt Nam tiếp tục sử dụng những thuật ngữ pháp lý của riêng mình chắc chắn sẽ làm phương hại đến  quá trình hội nhập quốc tế của Nhà nước ta.

+ Thứ hai, hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chúng ta đang mong muốn được nhiều nước trên thế giới công nhận nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường. Vậy việc đưa các quy định về “vật quyền” vào Dự thảo Bộ luật Dân sự hy vọng sẽ thỏa mãn các tiêu chí về nền kinh tế thị trường để các nước thừa nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Như vậy, việc hoàn thiện Phần II của Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi theo hướng xây dựng được một hệ thống “vật quyền”, bao gồm quyền sở hữu và các loại vật quyền hạn chế, vừa thể hiện cái chung của thế giới, vừa thể hiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là điều có ý nghĩa rât lớn không chỉ về mặt đối nội mà còn về mặt đối ngoại.

Nguyễn Nhật Vũ