Yêu công lý: Phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ tư pháp Việt Nam

09/07/2012

1. Công lý: Một phẩm hạnh cơ bản của xã hội     

Cách đây hàng ngàn năm, loài người dành bao trăn trở và suy tư để luận bàn và suy ngẫm về bản chất của công lý. Khi có người nói đến hai chữ công lý, Socrates (469-399 TCN) liền chất vấn: Công lý là gì? Anh hiểu gì về hai chữ ấy, tại sao anh dám đem hai chữ ấy để giải quyết vấn đề sống chết của đồng loại?. Trong tác phẩm Nền cộng hoà (La République), triết gia Platon (427-347 TCN) cho rằng công lý tốt hơn bất công. Công lý là một khái niệm thể hiện phẩm hạnh và sự hài hoà của cộng đồng, là kết quả của sự đồng tâm hợp tác giữa những cá nhân có đức hạnh tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng và quốc gia. Công lý là một vấn đề giản dị nếu con người cũng giản dị, rời xa lòng tham lam và sự xa hoa và sống theo đúng chức phận của mình. Công lý xuất phát từ sự hài hoà và nó hướng tới những người khác thông qua những hành vi nhân hậu và tử tế.

Từ đó đến nay, công lý đã trở thành phẩm hạnh cơ bản mang tính chính trị nhất của mỗi xã hội. Cicero, chính trị gia thời La Mã cho rằng công lý là phẩm hạnh quan trọng thứ hai tạo nên những tinh tuý đạo đức (sự thông thái, công lý, lòng dũng cảm và sự tiết chế). Theo Cicero, công lý chính là phẩm hạnh tốt nhất để hiệu chỉnh những nhà lãnh đạo có lòng tham quyền lực. Tính chính đáng của sự tồn tại và phát triển của một nhà nước cũng được đánh giá trên cơ sở nhà nước đó có đảm bảo công lý hay không. St. Augustine, nhà triết học có ảnh hưởng lớn đầu tiên thời trung cổ đã nói: Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cuớp có tổ chức? (Take away justice, and what is a state but a large robber band?). John Rawls, đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa tự do của Mỹ, đã định nghĩa, công lý là lẽ phải, là điều thiện và là phẩm hạnh tối cao của con người. Công lý là sự công bằng và là chuẩn mực của một xã hội lý tưởng. Chuẩn mực của công bằng trong một thể chế xã hội cụ thể chính là nguyên tắc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân. Công lý chính là phẩm hạnh cơ bản đầu tiên của một thiết chế xã hội.

Luật pháp và công lý không phải là một khái niệm đồng nhất nhưng chúng có mối quan hệ chặt chẽ và biện chứng với nhau. Theo tiếng Latinh, công lý bản thể là ‘iustum” và luật là “ius”. Điều đó có nghĩa là một số lớn thể chế hiến định được tạo ra để giúp tiến trình lập pháp luôn gắn liền với công lý. Và ngược lại, công lý giúp cho luật pháp luôn là những luật lệ đúng đắn. Theo truyền thống chính trị và pháp luật phương Tây, chức năng chính của pháp luật là “phân phối công lý”, pháp luật không có công lý thì chỉ là “một trò hề”. Ở nhiều quốc gia, luật pháp được coi là có mối quan hệ gần gũi và chặt chẽ với công lý đến mức Bộ quản lý các toà án được gọi là Bộ Tư pháp (Ministry of Justice) chứ không gọi là Bộ Luật pháp (Ministry of Law) và các toà án thường tự coi mình là những thiết chế tư pháp hơn là thiết chế pháp luật. Tại nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, pháp luật chỉ được coi là phương tiện để đạt được những kết quả công bằng. Tuy nhiên, họ không thường dùng cụm từ “anh ấy là một công dân tuân thủ pháp luật” (he is a law - abiding citizen) bởi theo họ, vì nhiều mục đích nhất định, pháp luật có thể thiếu tính đạo đức hoặc không nhân văn, do đó không có gì là tự hào với việc tuân phục pháp luật một cách mù quáng.

2. Công lý trong nền chính trị - pháp lý Việt Nam

Trong tác phẩm Bản án Chế độ thực dân Pháp viết bằng tiếng Pháp xuất bản lần đầu tiên tại Pari (Pháp) năm 1925 và xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1946, gồm 12 Chương, bên cạnh việc lên án chế độ thực dân qua các chương về Thuế máu, Việc đầu độc người bản xứ, Các quan thống đốc, Các quan cai trị, Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị, Bóc lột người bản xứ, Công lý (Chương VIII) đã được Nguyễn Ái Quốc sử dụng như một căn cứ để vạch trần sự tàn ác của chế độ thực dân Pháp. Ở Việt Nam lúc đó, “Làm gì có pháp luật, công lý với người bản xứ?” “Chỉ có ba toong, súng ngắn, súng dài, đấy mới là thứ xứng đáng với lũ ròi bọ ấy!”. Trong mắt của các quan cai trị thực dân Pháp “Annamít đâu phải là là người! Đó là bọn “nhà quê” bẩn thỉu, Cần quái gì công lý đối với những giống ấy”. Nhưng để được tiếng là nước mẹ văn minh, các quan cai trị Pháp cũng dày công tổ chức những phiên toà để ca tụng tự do như một “trò hề công lý”.

Có thể nói, những tư tưởng về một nền công lý đích thực, chân chính đã được truyền bá vào Việt Nam kể từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần nền “công lý thực dân” giả tạo: “Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật sư người An Nam. Thường thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam và người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả mặc dù tên này ăn cướp hay giết người…”. Người cũng lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam thông qua biểu tượng Công lý: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”.

Khát vọng và tình yêu công lý đó đã được Đảng ta tiếp tục vận động, tuyên truyền và thắp sáng thành ý nguyện của dân tộc ta, của nhân dân ta. Trong bài thơ làm công tác binh vận “Là thi sĩ’ tràn đầy nhiệt huyết cách mạng năm 1942, đồng chí Trường Chinh với bút danh Sóng Hồng đã viết:

Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,

Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;

Ca tự do, tiến bộ với tình yêu

Yêu nhân loại, hoà bình và công lý.

Chính tình yêu công lý, khát khao công lý này đã làm thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta, đưa dân tộc ta, nhân dân ta đến Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 - một cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc đoàn kết sau gần 100 năm người dân Việt Nam phải sống dưới xiềng xích thực dân.

Với nhận thức công lý chính là yếu tố tạo sự chính đáng, chính nghĩa, góp phần quan trọng trong việc quy tụ, đoàn kết mọi lực lượng bảo vệ chính quyền cách mạng, ngay sau khi thành lập nhà nước cách mạng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến nhiệm vụ của chính quyền nhân dân trong việc bảo vệ và thực thi công lý.  Điều 47 Sắc lệnh số 13 của Chủ tịch nước ngày 24 tháng 01 năm 1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã khẳng định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp”. Điều 25 Sắc lệnh này cũng quy định: Khi các Phụ thẩm nhậm chức, tại phiên toà đầu, ông Chánh án sẽ mời các Phụ thẩm tuyên thệ “Tôi thề trước Công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc…”

Theo Bác Vũ Đình Hoè, người đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp khởi xướng, đặt nền móng cho một nền tư pháp tiến bộ, dân chủ nhân dân thì ngay từ những ngày đầu của cách mạng, dựa vào những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức “chí công, vô tư”, anh em cán bộ tư pháp đã thề trung thành với Tổ quốc và tận tuỵ thực hiện nền công lý mới của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Nền công lý mới chính là tính ưu việt nổi bật của nền Tư pháp mới. Trong thời gian kháng chiến, theo lời dạy của Bác, các cán bộ tư pháp đã nhận ra rằng Tư pháp có ích nhất và công bằng nhất là Tư pháp kháng chiến để rồi mỗi cán bộ tư pháp là một chiến sỹ trên mặt trận tư pháp. Năm 1950, Chính phủ mở riêng lớp học chính trị cho cán bộ tư pháp để xây dựng cho anh em lập trường nhân dân, trong xét xử phải chú trọng bảo đảm trước hết quyền lợi đa số, thuộc các tầng lớp nghèo trong nhân dân, xây dựng một nền tảng vững chắc của tư pháp nhân dân. Tiếp theo, qua các cuộc chỉnh huấn năm 1953, cán bộ tư pháp đã thông suốt được nội dung giai cấp của pháp luật và công lý, dùng toà án để ủng hộ đắc lực cho cuộc đấu tranh của nông dân, đánh đổ giai cấp địa chủ, giành lấy ruộng đất cho nông dân, đó chính là công lý mà nền tư pháp phải bảo vệ. Sau cải cách ruộng đất, tại buổi nói chuyện nhân dịp cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Mọi người đều lao động nên đều bình đẳng, đều có quyền và có đủ điều kiện để tự tay mình xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc cho mình”. Đó là công lý ở mức cao nhất: hoài bão đẹp đẽ chưa bao giờ thực hiện được, nay nhất định sẽ thực hiện được. Khi miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, công lý xã hội chủ nghĩa là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Xây dựng nền công lý xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục là nhiệm vụ của ngành Tư pháp từ đó đến nay.  

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức và pháp lý là thống nhất, trong đó đạo đức luôn là cái gốc của luật pháp. Theo Người, mỗi hệ thống pháp luật phải được hình thành trên cơ sở nền tảng đạo đức của xã hội mà hệ thống pháp luật đó tồn tại. Pháp luật phong kiến dựa vào đạo đức phong kiến: tôn vua, kính thầy, hiếu với cha. Pháp luật tư sản dựa trên nền tảng đạo đức gian ngoan và tinh vi hơn: tự do, bình đẳng nhưng thực sự chỉ có được đối với bọn tư bản. Trong chế độ mới - pháp luật phải được dùng để bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động, ngăn chặn những kẻ lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột nhân dân lao động, bảo vệ quyền tự do, dân chủ cho nhân dân lao động. Người đã nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”. Có thể nói, đạo đức cách mạng phải là cái gốc, xây dựng hệ thống quan điểm pháp luật XHCN phải phù hợp với quan điểm đạo đức mới. “Thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức” phải là những giá trị đạo đức cơ bản, phải được lấy làm chỗ dựa cho việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật trong chế độ mới. Tôn trọng quyền được hưởng hạnh phúc tự do không chỉ cho số ít người mà là cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động là chính là đạo lý “ở đời và làm người”. Đạo lý đó đòi hỏi mỗi cán bộ tư pháp phải có lẽ sống, có tình thương, có tình yêu và khát khao bảo vệ lẽ phải và công lý.  

Ngày nay, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành một trong những mục tiêu cơ bản, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta và là một giá trị tiến bộ xã hội nhân văn, bền vững được cả xã hội thừa nhận và hướng tới. Từ truyền thống cách mạng của Ngành Tư pháp đến những triết lý về công lý trong thế giới đương đại, tình yêu công lý, khát khao bảo vệ lẽ phải và công lý cần được xác định là một phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi người cán bộ tư pháp Việt Nam.

Thạc sỹ luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và Pháp luật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2005.

2. Vũ Đình Hoè: Thuở lập thân, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2012.

3. Vũ Đình Hoè: Công lý và Pháp lý theo tinh thần “Chí công vô tư” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuốn Ngành Tư pháp - 60 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Nhà xuất bản tư pháp, năm 2005.

4. Leopold Pospisil: Anthropology of law – A comparative theory, HRAP Press, New Haven, 1974.

5. Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp: Đề tài cấp Bộ “50 năm Ngành Tư pháp Việt Nam”, năm 2002.