“Chở luật vào đời” trong thời báo chí hiện đại

21/06/2012
“Chở luật vào đời” trong thời báo chí hiện đại
Tám mươi bảy năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí cách mạng đã chứng tỏ là vũ khí sắc bén của sự nghiệp Cách mạng do Đảng lãnh đạo; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, giáo dục quần chúng để hướng tới mục đích chung vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì quần chúng nhân dân.

1. Cùng hòa trong dòng chảy ấy, Báo Pháp luật Việt Nam, tiếng nói của ngành Tư pháp, với tôn chỉ mục đích “tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, phản ánh tình hình thi hành pháp luật và ý kiến của nhân dân về pháp luật”; tự hào khi đã luôn tuân thủ tôn chỉ mục đích, luôn hướng tới một mục tiêu chiến lược mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới là “xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân”. Pháp luật Việt Nam luôn ý thức mình còn là một chiến sĩ cách mạng có nhiệm vụ góp phần xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, nâng cao văn hóa pháp luật cho bạn đọc, “xóa nghèo” pháp luật cho người dân. Từng con chữ được thể hiện trên Pháp luật Việt Nam đều ý thức đặt lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ, phát huy bồi đắp văn hóa đạo lý dân tộc lên hàng đầu.

2. Điều kiện cuộc sống thay đổi và báo chí hiện đại cũng thay đổi, ở một khía cạnh nào đó, báo chí cũng là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cũng một phần bị chi phối bởi quy luật kinh tế thị trường. Nhận thức rõ điều này, Pháp luật Việt Nam luôn tìm tòi những phương thức tuyên truyền mới, không chỉ phổ biến phản ánh qua những cách thức truyền thống mà còn qua những câu chuyện dễ đọc dễ hiểu, những hướng tiếp cận hiện đại. Những người làm báo Pháp luật Việt Nam luôn thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trước khi cầm bút phải xác định viết để làm gì, viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào?; và “Đối tượng của tờ báo là đại đa số quần chúng, một tờ báo không được đa số ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo; muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình thì: Nội dung, tức là các bài viết  phải đơn giản, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát; và hình thức, tức cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ sáng sủa”.

Học hỏi những quan niệm làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy Pháp luật Việt Nam đã thành công. Báo đã thực hiện được tốt cả hai nhiệm vụ: Một là hoàn thành nhiệm vụ chính trị, và hai là tờ báo đến được tay quảng đại quần chúng nhân dân. Khi tờ báo có số lượng phát hành lớn, nghĩa là tự nuôi sống được mình. “Nuôi sống được mình” là một cụm từ mở, có nghĩa là cơ quan báo chí phải tự chủ được về mặt tài chính, phải dám cạnh tranh và biết cạnh tranh và biết cạnh tranh để tồn tại, phát triển. Trong nền kinh tế thi trường, xét ở một khía cạnh nào đó thì số lượng phát hành là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh “sức khỏe” của một tòa soạn, nói lên sức sống của một tờ báo. Báo phải đến tay bạn đọc, được người dân hưởng ứng thì tờ báo mới làm được nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng.

3. Tuy nhiên, Pháp luật Việt Nam cũng luôn ý thức việc một tờ báo có số lượng phát hành lớn, mang lại lợi nhuận; nhưng nếu không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xa rời tôn chỉ mục đích của mình, chiều theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng thì đó là những tờ báo bị thương mại hóa, sẽ dần bị tụt giảm uy tín và bạn đọc sẽ quay lưng

Trong bối cảnh khó khăn chung của báo chí hiện nay, lại thêm “bài toán” nói trên, những người làm báo Pháp luật Việt Nam đã nhiều ngày trăn trở, thử nghiệm để giải “bài toán tổng hợp” này: Vừa phải làm tốt nhiệm vụ chính trị, lại phải làm sao để thu hút bạn đọc vốn có trình độ ngày một nâng cao; không chấp nhận một tờ báo đơn điệu về thông tin, xơ cứng về cách viết và lạc hậu về hình thức trình bày. Một tờ báo lớn, có uy tín ngày nay không chỉ là báo đúng, mà còn là báo hay; không chỉ thông tin kịp thời, mà còn phải phù hợp trình độ bạn đọc, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Làm sao để dung hòa vấn đề một bài báo viết theo kiểu chính luận có thể được những người có chuyên môn khen là hay, thì một số người dân có thể thờ ơ vì “nặng nề quá, đọc không vào”; ngược lại, có những bài báo dân chúng thích tìm đọc thì lại bị một số người cho là “nhảm nhí”.

Trước thực tế này, để đáp ứng nhu cầu của đa dạng bạn đọc, chủ trương của Pháp luật Việt Nam là đa dạng hóa các ấn phẩm của mình; “mềm hóa” cách viết, cách truyền tải để thông tin đi vào lòng người; nhẹ nhàng “chở luật vào đời” và “đưa đời vào luật”. Nhật báo Pháp luật Việt Nam chuyển tải tổng hợp thông tin thời sự, chính trị, pháp luật… mỗi ngày; Các ấn phẩm chuyên đề như “Doanh nhân & Pháp luật”, “Chuyên đề pháp luật”, “Chuyên đề Dân tộc và miền núi”… phục vụ đối tượng bạn đọc chuyên ngành, quan tâm đến những lĩnh vực mình đang công tác; Các ấn phẩm hàng tuần như “Pháp luật & Thời đại”, “Câu chuyện Pháp luật” là những ấn phẩm sống động, thỏa mãn thị hiếu nhiều mặt của bạn đọc.

4. Tư tưởng thượng tôn pháp luật của Bác Hồ ngay từ năm 1922 đã được thể hiện qua bản “Việt Nam yêu cầu ca” được truyền bá rộng rãi trong nhân dân: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Bác Hồ cũng đã dạy cán bộ ngành Tư pháp: “Suy cho cùng, vấn đề tư pháp là ở đời và làm người”. Còn nhìn nhận ở góc độ khoa học pháp lý, luật là quy tắc xử sự để điều chỉnh quan hệ xã hội. Vận dụng những tư tưởng trên, Pháp luật Việt Nam đã phổ biến, giáo dục pháp luật với bạn đọc qua những bài báo sinh động, phù hợp với trình độ, tâm tư và nguyện vọng của mọi người. Pháp luật, nhất là luật hình sự và hành chính thường được người ta ví như những “liều thuốc đắng”. “Thuốc đắng thì giã tật”, song đâu phải ai cũng thích uống? Điều này giải thích cho vấn đề vì sao những viên thuốc kháng sinh, thuốc có hoạt chất đắng thường có vỏ ngoài làm từ những hợp chất “dễ nuốt”.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, xét về mặt nào đó cũng tương tự chuyện uống thuốc. Để các điều khoản luật thường bị đánh giá là “khô khan” có thể đi vào lòng người, chúng cần lồng vào các “tình huống pháp luật”, các “cuộc chiến pháp lý”, những “câu chuyện pháp luật”… kết hợp với lời phân tích của các chuyên gia pháp lý, các luật sư, nhà xã hội học, nhà tâm lý… có uy tín. Cũng thông qua việc phân tích các vụ án, vụ tranh chấp, các tình huống pháp luật éo le trong đời thường mà các bài báo lên án cái ác, phê bình cái xấu hòng cảnh tỉnh bạn đọc; cổ vũ cái tốt cái thiện, nhân rộng những gương người tốt việc tốt, định hướng dư luận.

Tuyệt đối tuân thủ định hướng của Đảng và Nhà nước; tuân thủ những quy định trong Luật Báo chí; ngoài ra đa dạng hóa ấn phẩm phù hợp với từng “kênh” bạn đọc, nhưng vẫn đảm bảo những tờ báo có nội dung thu hút bạn đọc; có thể xem đây như là “triết lý làm báo” của Pháp luật Việt Nam trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày nay. Tuy nhiên dù bằng cách nào, từng con chữ đều hướng tới mục đích tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất; hướng tới lí tưởng nhân văn, bình đẳng; ngòi bút dùng để phê phán những tệ nạn, những điều xấu xa còn lẩn khuất trong xã hội; tôn vinh những gương người tốt việc tốt, những xu hướng tích cực; bài trừ những gì phá hoại thuần phong mĩ tục; bài trừ mê tín dị đoan; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. “Chở luật vào đời” và “Đưa đời vào luật” là tiêu chí mà những người làm báo Pháp luật Việt Nam đã và đang thực hiện để phục vụ bạn đọc những tác phẩm báo chí thiết thực, dung dị, thu hút nhất; cũng như để đáp lại sự khích lệ của lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự quan tâm định hướng của các cơ quan quản lý báo chí.

TS. Đào Văn Hội