Thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên: Bảo vệ trẻ em trước “sóng gió” cuộc đời

28/05/2012
Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta có một chương riêng quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội nhưng nhìn chung các thủ tục đó thiếu toàn diện, chưa thể hiện được đầy đủ các đặc điểm cũng như những chính sách hình sự đối với người chưa thành niên hoặc còn mang tính hình thức. Vì vậy, hiệu quả của những chế định tố tụng này còn hạn chế trong phòng ngừa tội phạm cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên….

Khi người chưa thành niên phạm tội 

Theo báo cáo về công tác phòng chống tội phạm của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 2 cho thấy, tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng, chiếm 15-18%. Hàng năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ, truy tố hơn 115 nghìn người, trong đó có 16-18 nghìn trẻ vị thành niên... “Với diễn biến như vậy chỉ sau 5-10 năm nữa đất nước chúng ta sẽ có gần 1 triệu người có tiền án tiền sự, trong đó có 200 nghìn người dưới 30 tuổi” - Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo lắng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ 1A (VKSNDTC) Vũ Việt Hùng, tội phạm người chưa thành niên gây ra chủ yếu trong lĩnh vực xâm phạm sở hữu (trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản…), xâm phạm sức khỏe, tính mạng (giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em), liên quan tới ma túy (tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy), gây rối trật tự công cộng, phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (cắt trộm dây điện thoại, dây điện, cáp viễn thông…).

Đáng buồn nữa là xu hướng phạm tội ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt, vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang mà kẻ tội đồ Lê Văn Luyện thì chưa đến 18 tuổi, hay mới đây nhất là vụ nữ sinh Nguyễn Thị Giang giết bạn học ở Hưng Yên mới 15 tuổi đã một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng tỷ lệ phạm tội ở lứa tuổi này.

Đánh giá về thực tiễn công tác phòng chống tội phạm của các cơ quan chức năng, Viện Khoa học xét xử (TANDTC) nhận định, tội phạm do người thành niên thực hiện vẫn có chiều hướng gia tăng, cơ cấu, tổ chức, tính chất tội phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Có không ít trường hợp đã bị Tòa án xét xử, áp dụng mức phạt nghiêm khắc nhưng tác dụng phòng ngừa, cảnh báo chưa cao, tỷ lệ người chưa thành niên tái phạm còn nhiều.       

Đừng để trẻ sống với mặc cảm

Người chưa thanh niên là những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có khả năng tự lập hoàn toàn trong các quan hệ xã hội nên khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi của họ còn có phần bị hạn chế, dễ bị tác động từ các điều kiện bên ngoài và cũng dễ bị kích động. Nếu phạm tội, phần lớn các em có tâm lý nặng nề, mặc cảm, tự ti, bi quan, chán nản, nhiều lúc tuyệt vọng, có thái độ thờ ơ, bất cần, liều lĩnh. Những đặc điểm ấy đã gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, cải tạo người chưa thành niên.

Trong khi đó, có một thực tế là đội ngũ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đều không phải là những cán bộ chuyên trách để điều tra, truy tố với riêng loại đối tượng người chưa thành niên. Họ cũng chưa qua một khóa đào tạo nào về tâm sinh lý, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên hoặc có hiểu biết thì rất hạn chế. Bởi thế, không ít trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên không phân biệt sự khác nhau về thủ tục tố tụng giữa vụ án người chưa thành niên phạm tội và vụ án người đã thành niên thực hiện. Thậm chí có người còn cho rằng các quy định trên chỉ là hình thức, việc giải quyết 2 loại án này không có gì là khác biệt.

Ở một khía cạnh khác, như đã nói ở trên, tuy Bộ luật Tố tụng hình sự có một chương quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội, song nhìn chung chưa toàn diện, đầy đủ, đặc biệt trong quá trình thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, chỉ quy định đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên mà chưa có quy định thủ tục tố tụng áp dụng đối với người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, nhất là gần đây tình trạng trẻ em bị lợi dụng, xâm hại, lạm dụng, bóc lột đang gia tăng nhanh chóng.

Không chỉ có những thiếu sót trong hệ thống các quy phạm pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật hiện hành có nhiều tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là những quy định có tính ưu tiên đối với người chưa thành niên. Một điểm đáng lưu ý là thực trạng bảo vệ quyền riêng tư của người chưa thành niên, việc xét xử công khai ngay cả đối với những vụ án bị cáo và người bị hại đều là trẻ chưa thành niên. Không những thế, việc xét xử lưu động các vụ án hình sự liên quan đến người thành niên đang được xem như là một cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng cần phải được nhìn nhận lại, bởi vô hình chung còn phản tác dụng, gây tác động về mặt tâm lý, khiến cả bị cáo lẫn bị hại là người chưa thành niên thêm mặc cảm, tự ti.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ, việc điều tra các loại án liên quan đến người chưa thành niên còn nhiều vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, mang tính hình thức, chưa vận dụng triệt để nguyên tắc chung hướng dẫn cho các hành động có liên hệ tới người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Có không ít trường hợp, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có địa chỉ cư trú rõ ràng, có sự bảo lãnh của gia đình, cha mẹ, người thân… nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, không cho người chưa thanh niên phạm tội tại ngoại điều tra.

Do đó, để đảm bảo sự thống nhất về mặt chính sách đối với người chưa thành niên đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác, sự ra đời của tòa án chuyên trách về người chưa thành niên là vô cùng cần thiết. Đây cũng là khuyến nghị của UNICEF vì việc xây dựng một tòa án chuyên trách để xét xử các việc liên quan đến người chưa thành niên là không chỉ đáp ứng nhu cầu của người chưa thành niên mà còn là biện pháp thiết thực nhằm thực hiện cam kết quốc tế liên quan đến bảo vệ trẻ em trong hệ thống tư pháp.

Thời điểm đã chín muồi

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW, việc xúc tiến thành lập tòa án chuyên trách về người chưa thành niên như trên đã được xác định là rất cần thiết và đây là thời điểm thích hợp. Trước yêu cầu của thực tiễn, Viện Khoa học xét xử (TANDTC) được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến phân tích: Người chưa thành niên là người còn hạn chế về nhận thức hành vi của mình, dễ bị kích động, xúi giục lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, trong trường hợp người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật hoặc bị xâm phạm thì cần có cơ chế, biện pháp xử lý phù hợp để mang tính răn đe, trừng phạt, đồng thời mang tính giáo dục giúp đỡ các em trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

“Các TAND như hiện nay xét xử người chưa thành niên vi phạm pháp luật hoặc xét xử các vụ việc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên khi bị xâm phạm không còn phù hợp đòi hỏi cần phải có tòa án chuyên trách để xét xử những vụ án liên quan tới người chưa thành niên. Hơn nữa, Nhà nước ta đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp thì việc tổ chức, thành lập tòa án trẻ vị thành niên đã chín muồi và phù hợp với xu thế” - ông Luyến nhấn mạnh.

Tán thành với ông Luyến, Chánh tòa Tòa dân sự (TANDTC) Hoàng Văn Liên chia sẻ thêm, người chưa thành niên dễ có nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục thời gian gần đây gia tăng một cách đáng lo ngại nên cũng rất cần được ưu tiên bảo vệ. Theo ông Liên, đã đến lúc cần phải lập Tòa án gia đình và trẻ vị thành niên để giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hình sự và chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo thực hiện tốt cam kết chính trị của Nhà nước ta khi tham gia ký kết Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.

Cẩm Vân

* PGS. TS Trần Văn Độ - Phó Chánh án TANDTC: Cần thành lập đồng bộ các cơ quan chuyên trách

Việc cần thiết thành lập tòa án người chưa thành niên xuất phát từ một số lý do cơ bản như chính sách hình sự nhân đạo và mục đích giáo dục của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội; góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 49-NQ/TW đặt ra là hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao; tình hình tội phạm là người chưa thành niên có xu hướng ngày càng tăng và nghiêm trọng cũng như thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên ở Việt Nam; có tác dụng trong việc thúc đẩy hình thành đội ngũ những người tiến hành tố tụng chuyên trách, xây dựng hệ thống thu thập các thông tin và thống kê về số lượng bị cáo chưa thành niên, hành vi phạm tội, mức án mà tòa án đã tuyên…

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên khi tham gia tố tụng, bên cạnh việc nghiên cứu thành lập tòa án người chưa thành niên, cần nghiên cứu thành lập các bộ phận chuyên trách trong cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, theo hướng hình thành ở mỗi cơ quan điều tra ở cấp tỉnh một đội điều tra các vụ án mà bị can là người chưa thành niên, mỗi Viện kiểm sát cấp tỉnh thành lập một ban chuyên trách để kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố đối với khởi tố, điều tra, xét xử những vụ án người chưa thành niên phạm tội…

* Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: Làm rõ thẩm quyền của tòa chuyên trách về người chưa thành niên

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thành lập các Tòa chuyên trách dựa trên các nhóm quan hệ xã hội cùng loại mà pháp luật chuyên ngành điều chỉnh như quan hệ dân sự, hình sự, kinh tế, hành chính…, tương ứng với nó là các Tòa dân sự, Tòa hình sự, Tòa kinh tế, Tòa hành chính. Đối với Tòa chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên thì tính chất khác với Tòa chuyên trách hiện hành, vừa kết hợp theo nhóm quan hệ, vừa kết hợp theo chủ thể. Do đó, cần lý giải rõ để xác định phạm vi thẩm quyền đối với Tòa án này nhằm bảo đảm vừa phúc đáp được mục tiêu thành lập Tòa vừa không trùng lặp về mặt thẩm quyền với các Tòa chuyên trách khác.

* Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã: Phải lập luận thuyết phục cơ quan có thẩm quyền

Xây dựng một loại tòa án chuyên trách để xét xử những vụ việc liên quan đến người chưa thành niên là đề tài đã được đề cập nhiều lần, kéo dài nhiều năm nay ở nước ta. Một số công trình khoa học, thậm chí một số sáng kiến pháp luật đã đưa ra được những mô hình lý luận về tòa án gia đình, tòa án người chưa thành niên… nhưng chưa được giới nghiên cứu đồng thuận và các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Lý do chủ yếu là các đề xuất này chưa xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, chưa minh chứng được sự cần thiết, cấp bách, chi phí, hiệu quả và lộ trình triển khai thực hiện các đề xuất đó.

Vì vậy, để thuyết phục cơ quan có thẩm quyền chấp nhận xây dựng và vận hành có hiệu quả Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam mà Viện Khoa học xét xử, TANDTC đang chủ trì xây dựng Đề án thành lập thì cần thuyết phục 2 vấn đề có quan hệ gắn bó với nhau. Cụ thể là, ở Việt Nam đã chín muồi các điều kiện để thành lập tòa án chuyên trách đối với người chưa thành niên và phương án tối ưu tổ chức tòa án chuyên trách đối với người chưa thành niên chỉ có thể là Tòa án gia đình và người chưa thành niên.

* Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an Trần Vi Dân: Cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể

Đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể, các giải pháp thực hiện Đề án bắt đầu được thực hiện từ thời điểm nào và thời điểm nào thì hoàn thành. Trên cơ sở chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, cần dự kiến thời điểm Đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, thời điểm thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên… Thời điểm thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên nên được tính toán để phù hợp với việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực, TAND phúc thẩm, TAND cấp cao và đổi mới tổ chức, hoạt động của TANDTC theo tinh thần cải cách tư pháp.

Việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên không làm phát sinh thêm công việc mà là sự phân chia lại thẩm quyền xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc giữa tòa chuyên trách trong hệ thống Tòa án. Do đó, việc thực hiện giải pháp về nhân lực cần được tính toán kỹ lưỡng, tận dụng tốt những thư ký, hội thẩm nhân dân, thẩm phán có kinh nghiệm trong việc xét xử, giải quyết vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết về tâm sinh lý và những kỹ năng khác về người chưa thành niên.