“Cải” giấy khai sinh không cần lý do chính đáng
“Qua kiểm tra cho thấy, việc giải quyết hồ sơ thay đổi cải chính hộ tịch phần lớn đều đảm bảo về thủ tục, thay đổi, cải chính có lý do chính đáng” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa cho biết. Tuy nhiên, cũng theo bà Hoa, bên cạnh những hồ sơ đúng cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật, nhiều quận, huyện xã phường vẫn để xảy ra sai sót.
Điển hình, việc cho phép cải chính năm sinh tại UBND xã, huyện còn tùy tiện, chủ yếu cải chính để phù hợp với các giấy tờ khác như hộ khẩu, chứng minh thư, hồ sơ bảo hiểm, hợp đồng lao động… (trong khi lẽ ra các giấy tờ này phải được điều chỉnh theo giấy khai sinh - PV). Nhiều hồ sơ chỉ căn cứ vào lời khai của nhân chứng là người thân trong gia đình hoặc chỉ dựa vào các giấy tờ không phải là giấy tờ hộ tịch như lý lịch anh chị em ruột, gia phả tộc họ.
Đặc biệt, nhiều trường hợp UBND quận, huyện, xã phường chấp nhận các giấy tờ của anh chị em... người đề nghị mà không phải giấy tờ hộ tịch để làm căn cứ cải chính giấy khai sinh. Việc cho cải chính nói trên là trái tinh thần của Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Theo quy định của BLDS thì việc thay đổi cải chính chỉ được thực hiện khi có lý do chính đáng. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp không chính đáng cũng được cải chính, thậm chí cải chính không phải để phù hợp với các giấy tờ liên quan mà cải chính vì… thích tên này mà không thích tên khác.
Một vấn đề khác cũng được xem là vi phạm về thủ tục hình thức nhưng lại dẫn đến những hệ lụy vô cùng rắc rối, đó là sau khi có quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch của UBND cấp huyện nhưng Phòng Tư pháp không gửi thông báo kịp thời để UBND cấp xã, phường ghi chú nội dung thay đổi, cải chính vào Sổ đăng ký trước đây, dẫn đến tình trạng cấp bản sao khai sinh không đúng với nội dung đã được cho phép thay đổi, cải chính.
Một “kẽ hở” được chỉ ra trong đăng ký lại việc khai sinh cho cán bộ công chức đó là sau khi yêu cầu được giải quyết, họ đã dùng giấy khai sinh này để điều chỉnh năm sinh trong các giấy tờ hồ sơ cán bộ để phục vụ mục đích không chính đáng như kéo dài thời gian công tác, hưởng chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước….
Giao Sở Tư pháp cải chính hộ tịch?
Một trong những kiến nghị mà Sở Tư pháp Đà Nẵng đề xuất là Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ sửa đổi điều 37 Nghị định 158/CP theo hướng giao Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền cho phép việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp trong nước cũng như có yếu tố nước ngoài (quy định hiện nay là UBND cấp xã giải quyết thay đổi cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi. Người từ đủ 14 tuổi trở lên thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện). Quy định như vậy, theo Sở Tư pháp Đà Nẵng nhằm ngăn chặn sự tùy tiên và tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” của cơ quan đăng ký khai sinh vừa là cơ quan thực hiện việc thay đổi, cải chính giấy khai sinh, đồng thời đảm bảo trình độ đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra còn giảm bớt khối lượng việc cho cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã hiện nay.
Thu Hằng
Theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, thẩm quyền cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch là UBND cấp xã, huyện nên thường xảy ra tình trạng nể nang, quen biết dẫn đến dễ dãi, tùy tiện khi cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch. Đặc biệt đối với người có nhu cầu cải chính hộ tịch là cán bộ có chức vụ ở cấp tỉnh, một số trường hợp UBND quận, huyện còn cho phép cải chính năm sinh cho cán bộ công chức của quận, huyện mình để được hưởng chính sách…. |