Hoạt động của Thanh tra tư pháp địa phương: Vì sao mờ nhạt?

31/05/2012
Những lĩnh vực “nóng” nhất như công chứng, đấu giá, luật sư... hay xảy ra sai phạm nhưng theo nhiều Giám đốc Sở Tư pháp lại “chưa xử lý được ai”. Điều này có phải do lực lượng thanh tra quá mỏng?

“Ngại” phạt vì thiếu người?

Theo quy định của Luật Thanh tra thì Thanh tra Sở là cơ quan của Sở, giúp Giám đốc Sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Sở Tư pháp là một Tổ chức Thanh tra thuộc sự quản lý của Sở Tư pháp, thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về tư pháp trong phạm vi quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt Thanh tra Tư pháp địa phương còn có một nhiệm vụ quan trọng đó là xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhất là trong bối cảnh nhiều lĩnh vực phát triển nóng, dễ xảy ra sai phạm như công chứng, hộ tịch, đấu giá, luật sư....

Mặc dù pháp luật quy định cơ cấu của Thanh tra Sở Tư pháp gồm Chánh Thanh tra, Phó chánh Thanh tra (không quá 02 người), Thanh tra viên và các chuyên viên nhưng thực tế ở địa phương phần lớn những chức danh này đang thiếu trầm trọng. Có nơi thiếu Chánh, nơi thiếu Phó, có nơi cả bộ máy Thanh tra chỉ vẻn vẹn duy nhất ...1 người.

Với cơ cấu tổ chức như vậy, hầu như thanh tra Tư pháp địa phương chỉ làm các nhiệm vụ thường xuyên mà “lãng quên” việc xử phạt vi phạm hành chính. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình Bùi Văn Xuyền cho biết: Thanh tra Sở này có ba người, chưa có Phó chánh Thanh tra, hàng năm hoạt động theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, hạn chế là chủ yếu mới chỉ “nặng” kiểm tra, còn việc xử lý vi phạm hành chính thì “chưa xử được ai”. “Thực tế thì trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản và công chứng đều có những dấu hiệu vi phạm, ví dụ trong việc thực hiện niêm yết, thu phí hồ sơ, đặt cọc (lĩnh vực đấu giá), trong soạn thảo hợp đồng công chứng.... Tuy nhiên, hành vi vi phạm đến nay vẫn chủ yếu chỉ dừng ở việc nhắc nhở”.

Dù đã có Thanh tra Sở nhưng với quân số chỉ có Chánh Thanh tra và một chuyên viên, trong đó một người đang đi học, Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên Lê Đình Thu cũng thừa nhận “một năm chỉ tiến hành thanh tra 2 cuộc, còn xử phạt thì chưa do nhiều lĩnh vực trên địa bàn còn chưa phát triển”. Ông Thu cũng cho biết, với nhân lực như hiện tại thì thanh tra chỉ là đầu mối, còn khi “động” đến lĩnh vực nào, lĩnh vực đó phải cử người tham gia Đoàn.

Nhiều Giám đốc Sở Tư pháp cũng thừa nhận, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp là rất khó. Khó từ khâu phát hiện (vì với nhân sự như hiện tại thanh tra viên không thể có mặt ở mọi nơi mà phải nhờ vào tin báo của cộng tác viên là chính) đến khâu xử lý (do những bất cập về thời hiệu…). Vì thế, nói đến thanh tra Tư pháp xử lý vi phạm nhiều nơi (nhất là vùng sâu, xa..) vẫn là một vấn đề xa lạ. Sai phạm trong các lĩnh vực tư pháp rất cận kề, tuy nhiên nhiều khi chỉ Thanh tra Bộ Tư pháp “sờ” đến mới bị “xử”.

Kiện toàn tổ chức là khâu cốt yếu

Mặc dù so với nhiều năm trước đây, tổ chức bộ máy Thanh tra Sở Tư pháp đã được kiện toàn một bước (cơ bản đã có tổ chức Thanh tra, không còn xen ghép với văn phòng, tổ chức hay kiêm nhiệm) tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ thì còn rất thiếu. Vì thiếu nên nhiều Sở phải chọn giải pháp “giật gấu vá vai”, lấy từ bộ phận nọ “đắp” sang bộ phận kia. Giải quyết vấn đề này việc bổ sung biên chế là cần thiết.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là quỹ biên chế nói chung cho ngành Tư pháp đều rất hạn hẹp. Nói như một Phó Chủ tịch UBND thì “ngành nào cũng “đòi” biên chế, tỉnh biết làm sao. Chỉ có thể ưu tiên các ngành bức xúc trước”. Mà Tư pháp nhiều khi theo nhận thức của lãnh đạo thì “không mấy bức xúc”.

Như vậy, giải pháp còn lại là Thanh tra phải “tự thân vận động”, trước hết họ phải khẳng định vị trí quan trọng của mình không chỉ trong hoạt động tư pháp mà còn trong đời sống. Nói như một lãnh đạo ngành Tư pháp thì nếu làm tốt, mọi sự sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Thủy Trâm

Năm 2011, Bộ Tư pháp đã triển khai 21 cuộc thanh tra, qua đó đã phát hiện sai sót trong công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, công chứng, luật sư. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các Sở Tư pháp đều được thực hiện theo kế hoạch, tập trung vào các lĩnh vực: công chứng, hộ tịch, luật sư, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tư pháp ”số lượng các Đoàn thanh tra còn ít, thời gian làm việc còn ngắn, việc kiểm tra chưa được thực hiện và chỉ đạo thực hiện thường xuyên, nhất là tại các địa phương, chủ yếu thực hiện thanh tra theo kế hoạch, các Đoàn thanh tra đột xuất chưa nhiều”.