Bàn thêm về các công việc Thừa phát lại được làm khi thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh

25/06/2012
Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngành tư pháp đã tiến hành nghiên cứu đề xuất để Chính phủ cho chủ trương về việc thành lập tổ chức thừa phát lại, triển khai áp dụng trong thực tế đời sống xã hội. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, ngày 24 tháng 7 năm 2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về  tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2009 (thời điểm Nghị định số 61/2009/NĐ-CP có hiệu lực) đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép thành lập tổng cộng là 05 Văn phòng Thừa phát lại tại các Quận 1, 5, 8, Bình Thạnh và Quận Tân Bình. Đánh giá sơ bộ về kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại thời gian qua là khá tích cực, được dư luận xã hội đánh giá khá cao. Tuy nhiên, để triển khai chế định này trong phạm vi cả nước thì cần phải có thêm thời gian với rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những công việc mà Thừa phát lại được làm.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin có một số ý kiến luận giải nhằm làm rõ thêm các quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về các công việc mà Thừa phát lại được làm, đồng thời đưa ra một vài kiến nghị nhỏ liên quan đến vấn đề này để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham khảo trong quá trình hoàn thiện chế định thừa phát lại ở nước ta trong thời gian tới.

I. Về thẩm quyền thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Toà án và Cơ quan Thi hành án dân sự.

- Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự các cấp tại TP.HCM do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại điều 21, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Văn phòng Thừa phát lại được thoả thuận để tống đạt các văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan thi hành án dân sự quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh; Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Toà án nhân dân quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra Thừa phát lại cũng có quyền thực hiện tống đạt các văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh ra ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, hiện nay Thừa phát lại chỉ được tống đạt một số loại giấy tờ, tài liệu của Cơ quan thi hành án và Toà án. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng, khi Nghị định được sửa đổi nên cho phép Thừa phát lại được tống đạt các loại văn bản, giấy tờ của một số cơ quan khác, trước mắt có thể là các loại văn bản, giấy tờ của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân. Trên thực tế có nhiều loại giấy tờ như: giấy triệu tập bị can đang tại ngoại, giấy triệu tập người làm chứng, người bị hại, giấy mời luật sư tham gia bào chữa, giấy mời người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo tham gia tố tụng... Những loại giấy tờ này không nhất thiết phải do cán bộ điều tra hay cán bộ kiểm sát trực tiếp làm. Cũng giống như Toà án hay Cơ quan thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể thoả thuận để Thừa phát lại làm việc này, trừ các vụ việc hay một số loại giấy tờ đặc biệt, bắt buộc cán bộ điều tra, cán bộ kiểm sát phải làm để đảm bảo bí mật.

- Cũng theo quy định hiện hành, để thực hiện công việc này Văn phòng Thừa phát lại phải ký thoả thuận với cơ quan Thi hành án dân sự hoặc Toà án dưới hình thức hợp đồng. Theo quy định thì một Cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Toà án chỉ được ký hợp đồng với một Văn phòng Thừa phát lại, nhưng một Văn phòng Thừa phát lại có thể ký hợp đồng tống đạt với nhiều Cơ quan thi hành án dân sự hoặc nhiều Toà án. Trong hợp đồng phải quy định các loại văn bản cần tống đạt, các nội dung khác như: thời gian thực hiện hợp đồng, thủ tục tống đạt hay thông báo, quyền nghĩa vụ của các bên, phí thực hiện tống đạt.v.v.

Như vậy, có thể hiểu là các Cơ quan thi hành án, Toà án sẽ ký hợp đồng nguyên tắc về việc uỷ quyền cho các cơ quan này tống đạt giấy tờ, tài liệu của mình trong thời hạn nhất định. Chúng tôi thấy rằng quy định này chưa thực sự phù hợp với thực tiễn vì việc tống đạt các giấy tờ tài liệu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật thi hành án dân sự và luật tố tụng về thời hạn, thời hiệu. Trong khi đó số lượng các văn bản, giấy tờ mà các Cơ quan thi hành án dân sự, Toà án ở thành phố Hồ Chí Minh không phải là nhỏ, số lượng Văn phòng Thừa phát lại cũng có giới hạn. Ngoài ra, không phải Văn phòng thừa phát lại nào cũng đủ nhân sự để thực hiện việc này, đặc biệt là các trường hợp phải tống đạt ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa phải đi nhiều ngày (luật chưa quy định cho phép Thừa phát lại tống đạt qua đường bưu điện). Ví dụ trường hợp theo thỏa thuận văn bản phải do chính Thừa phát lại tống đạt, trong khi đó Thừa phát lại tại thời điểm đó không thể thực hiện được vì lý do khách quan như không có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh, đang bị ốm đau, tai nạn..., trong khi Văn phòng mà Toà án ký hợp đồng chỉ có một Thừa phát lại, khi đó sẽ xử lý thế nào?

Để khắc phục tồn tại trên, theo chúng tôi, không nên quy định cứng nhắc là Cơ quan thi hành án, Toà án chỉ được ký hợp đồng tống đạt với một Văn phòng Thừa phát lại, mà cho phép trong trường hợp đặc biệt, vì yêu cầu của công việc tống đạt mà Cơ quan thi hành án dân sự, Toà án có thể ký hợp đồng theo vụ việc với một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại khác với Văn phòng mà mình đã ký hợp đồng nguyên tắc để tông đạt các loại giấy tờ.

II. Việc lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan

- Lập vi bằng là việc Thừa phát lại lập biên bản ghi nhận sự kiện hoặc hành vi được làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng được xác lập và được làm chứng cứ khi xét xử trong các trường hợp sau:

+ Vi bằng chứng thực sự kiện, hành vi xảy ra theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân: sự kiện giao nhận tiền, gửi thông báo đòi nhà, đòi nợ, xác lập hợp đồng, lập di chúc; hành vi vi phạm pháp luật của người khác, hành vi sử dụng nhà thuê không đúng mục đích…

+ Vi bằng ghi nhận hiện trạng các công trình liền kề, lân cận, dùng để lập hồ sơ xây dựng;

+ Vi bằng dùng làm chứng cứ để yêu cầu cơ quan bảo hiểm bồi thường;

+ Vi bằng về các sự kiện, hành vi khác xảy ra trên địa bàn thành phồ Hồ Chí Minh.

Như vậy, Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ một số trường hợp cấm theo quy định của pháp luật. Như vậy có thể hiểu là yêu cầu của đương sự (thể hiện bằng hợp đồng) là cơ sở làm phát sinh quyền lập vi bằng của Thừa phát lại. Theo quy định của pháp luật hiện hành, vi bằng chỉ xác nhận đối với một sự kiện hay hành vi theo yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên trên thực tiễn chúng tôi thấy rằng có trường hợp xẩy ra một chuỗi các hành vi liên quan đến một sự kiện nào đó. Ví dụ như trong một vụ tai nạn giao thông, để có căn cứ yêu cầu bồi thường, Thừa phát lại có thể phải lập rất nhiều vi bằng về nhiều hành vi như lời khai của các nhân chứng, tình trạng hiện trường, kết quả khám nghiệm...để chứng minh với cơ quan bảo hiểm. Do vậy, nếu đương sự yêu cầu lập vi bằng về một sự kiện là một tai nạn giao thông mà Thừa phát lại chỉ lập văn bản thể hiện có vụ tai nạn giao thông xẩy ra, ngày giờ, địa điểm này thì chưa đủ cơ sở để yêu cầu cơ quan bảo hiểm bồi thường.

Để giải quyết tình huống trên, theo chúng tôi, luật nên cho phép trong trường hợp thực hiện yêu cầu của đương sự liên quan đến việc lập vi bằng về một sự kiện hay hành vi, Thừa phát lại có thể thực hiện lập vi bằng đối với các sự kiện hoặc hành vi liên quan đến nội dung yêu cầu lập vi bằng nhằm làm sáng tỏ hơn "nội dung chính" của sự kiện, hành vi yêu cầu lập vi bằng đã thoả thuận trong hợp đồng mà không phải chờ khi đương sự có yêu cầu của đương sự.

- Khoản 1 điều 26 Nghị định quy định "Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng". Tuy nhiên khoản 2 cũng tại điều luật này lại quy định "Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến". Nếu đặt hai quy định này bên nhau có vẻ như mẫu thuẫn, mặc dù vấn đề ở đây có thể chỉ là câu chữ, có lẽ quy định này hướng đến việc coi Thư ký nghiệp vụ giúp Thừa phát lại lập vi bằng giống như "người đánh máy hay là người soạn thảo văn bản" mà thôi.

Tuy nhiên, để tránh tuỳ tiện trong việc lập vi bằng, chẳng hạn như giao phó hết cho Thư ký nghiệp vụ lập vi bằng còn Thừa phát lại chỉ ký xác nhận, chúng tôi để nghị chỉnh sửa lại câu chữ cho phù hợp. Nên chăng có thể bỏ hẳn quy định Thư ký nghiệp vụ có thể giúp Thừa phát lại lập vi bằng và bắt buộc Thừa phát lại trực tiếp lập vi bằng, còn trong quá trình Thừa phát lại lập vi bằng có thể Thư ký thừa phát lại, nhân viên hành chính, hay bất kỳ cán bộ nào của Văn phòng Thừa phát lại cũng có thể giúp Thừa phát lại "đánh máy văn bản" vi bằng.

III. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự

- Theo quy định của pháp luật, người được thi hành án phải cung cấp kết quả xác minh điều kiện thi hành án, tức là phải chứng minh người phải thi hành án có tài sản để thi hành án khi yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, bản thân khách hàng không có đủ điều kiện về thời gian, công sức cũng như nghiệp vụ để tự tiến hành xác minh. Nghị định số 61/2009/NĐ-CP cho phép Văn phòng Thừa phát lại cung ứng dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án. Theo đó, các Văn phòng Thừa phát lại sẽ thay mặt khách hàng tiến hành hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và cung cấp cho người được thi hành án dùng làm căn cứ để yêu cầu Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.

Để có căn cứ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án phải thoả thuận với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án. Thoả thuận phải có các nội dung chủ yếu như: nội dung cần xác minh, thời gian thực hiện, phí xác minh...Việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành bằng văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp xác minh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng việc xác minh điều kiện thi hành án là rất phức tạp, do vậy nên hạn chế tối đã việc xác minh điều kiện thi hành án bằng văn bản, chỉ cho phép xác minh bằng văn bản khi không thể trực tiếp xác minh. Bởi vì, nếu cho phép xác minh điều kiện thi hành án bằng văn bản một cách tràn lan có thể dẫn đến tình trạng các Văn phòng Thừa phát lại sẽ lạm dụng và đùn đẩy trách nhiệm cho các cơ quan được yêu cầu, vì Nghị định quy định các cơ quan này phải chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp, do đó Văn phòng Thừa phát lại vẫn thu phí xác minh nhưng khi xẩy ra lỗi thì bên cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm còn Thừa phát lại thì không.

Ngoài ra, cũng nên quy định cho phép việc uỷ quyền hay phối hợp xác minh điều kiện thi hành án giữa các Văn phòng Thừa phát lại, nhất là sau này chế định Thừa phát lại được áp dụng trong phạm vi cả nước.

- Về việc sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án theo chúng tôi cũng có vấn đề chưa ổn, đó là: Theo quy định tại khoản 1 điều 32 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, người được thi hành án có quyền sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, theo chúng tôi, người phải thi hành án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có quyền yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án và sử dụng kết quả đó để yêu cầu Cơ quan thi hành án thi hành hoặc chưa thi hành bản án liên quan đến mình. Do vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng này được sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án như người được thi hành án.

IV. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án theo yêu cầu của đương sự

Khi các cá nhân, tổ chức phát sinh tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết, phán quyết của Tòa án chỉ là kết quả về mặt pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi của mình trên thực tế, bên thắng kiện phải yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án được gọi là thi hành án. Nghị định 61/2009/NĐ-CP về Thừa phát lại ra đời đã cho phép Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án tương tự như Chi cục thi hành án. Tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn dịch vụ thi hành án một cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

Về thẩm quyền, Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền Thi hành án tương tự  Chi Cục Thi hành án dân sự , nơi văn phòng Thừa phát lại có trụ sở. Tức là, Văn phòng được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án ;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc nói trên ngoài địa bàn quận, huyện nơi Tòa án cấp quận, huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì quyền tổ chức thi hành các bản án dân sự của các Văn phòng Thừa phát lại phát sinh khi có đơn yêu cầu của đương sự và thẩm quyền đó được xác định theo thẩm quyền của Toà án nơi xét xử. Tức là, các Văn phòng Thừa phát lại chỉ được phép tổ chức thi hành các bản án của Toà án nơi mình đặt trụ sở, hoặc các bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án sơ thẩm của Toà án nơi Văn phòng đặt trụ sở. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu xác định thẩm quyền thi hành án của các Văn phòng Thừa phát lại theo thẩm quyền của Toà án sơ thẩm nơi Văn phòng đặt trụ sở là không phù hợp và gây khó khăn khi thực hiện. Trên thực tế, có thể Toà án sơ thẩm tại nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở xử sơ thẩm, nhưng do người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở một hay nhiều địa bàn khác, khi đó việc tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại ở địa bàn khác sẽ gặp khó khăn.

Để thuận tiện cho việc tổ chức thi hành các bản án dân sự của các Văn phòng Thừa phát lại, theo chúng tôi nên xác định thẩm quyền thi hành các bản án dân sự của các Văn phòng Thừa phát lại theo thẩm quyền của Cơ quan thi hành án dân sự nơi Thừa phát lại đặt Văn phòng. Tức là các Văn phòng Thừa phát lại được tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nơi Văn phòng đặt trụ sở khi đương sự yêu cầu. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc xác minh, tự tổ chức thi hành hoặc cưỡng chế thi hành của Văn phòng Thừa phát lại thuận lợi hơn. Trên thực tế thì hiện nay, để thuận lợi trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành mà tài sản của người phải thi hành án ở nơi khác với nơi xét xử thì thông thường các Cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án xét xử sơ thẩm cũng sẽ uỷ quyền cho Cơ quan thi hành án nơi có tài sản tổ chức thi hành.

Trên đây là một số nhận xét và quan điểm mang tính cá nhân của người viết sau khi nghiên cứu về một số quy định của Nghị định 61/2009/NĐ-CP về chế định Thừa phát lại thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề tương đối mới mẻ ở nước ta, do vậy người viết rất mong nhận được ý kiến trao đổi góp ý của bạn đọc.

Ths. Vũ Hoài Nam, NXBTP - BTP