1. Giới thiệu chung
Luật Lập pháp của nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa được Đại biểu của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khoá 9 thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào ngày 15/3/2000 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2000. Luật Lập pháp ra đời sau 7 năm nghiên cứu (từ năm 1993).
Luật Lập pháp của nước cộng hoà nhân dân Trung hoa gồm 6 Chương với 94 điều. Cơ cấu của Luật này cụ thể như sau:
- Chương 1. Những quy định chung (6 điều)
- Chương 2. Luật Quốc gia (49 điều)
Phần 1. Thẩm quyền ban hành văn bản
Phần 2. Trình tự, thủ tục ban hành văn bản của Quốc hội
Phần 3. Trình tự, thủ tục ban hành văn bản của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Phần 4. Giải thích luật quốc gia
Phần 5. Các điều khoản khác
- Chương III. Quy tắc hành chính (7 điều)
- Chương IV. Văn bản pháp quy địa phương, Văn bản pháp quy khu vực tự trị và các quy tắc (15 điều)
Phần 1. Văn bản pháp quy địa phương, Văn bản pháp quy khu vực tự trị và các văn bản pháp quy đặc biệt
Phần 2. Quy tắc hành chính và quy tắc địa phương
- Chương V. Phạm vi áp dụng và thực hiện (14 điều)
- Chương VI. Điều khoản bổ sung (2 điều)
Sau khi Luật này ra đời, việc ban hành văn bản của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương đã có những chuyển biến cơ bản. Nếu như trước đây, Trung Quốc từ chỗ giải quyết không có luật làm cơ sở, đến lập pháp về kinh tế làm chính, rồi đến tăng cường lập pháp về xã hội và lập pháp về dân sinh (thể hiện rõ nét từ lấy con người làm gốc đến lập pháp vì dân) thì đến nay quy trình ban hành văn bản đã được hoàn thiện thêm một bước. Theo quy định hiện hành, nhân dân không chỉ là đối tượng bảo hộ của pháp luật, mà con được hoan nghênh tham gia xây dựng và sửa đổi luật pháp. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2010, Trung Quốc đã xây dựng 236 bộ luật, hơn 690 văn bản pháp quy hành chính và hơn 8.600 văn bản pháp quy địa phương.
Quyền lập quy của chính quyền địa phương được biết đến kể từ khi luật tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi vào năm 1986. Văn bản pháp quy của địa phương là văn bản thấp nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, phải đến năm 2000, việc ban hành văn bản của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương mới có một văn bản luật riêng điều chỉnh.
Mặc dù quy định khá rõ ràng về thẩm quyền ban hành văn bản, trình tự, thủ tục ban hành văn bản, Luật Lập pháp vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết được trên thực tế như thiếu bảo đảm cho quyền lập quy của chính quyền địa phương, thiếu hệ thống giám sát lập pháp, không rõ ràng về quyền giải thích pháp luật. Bên cạnh đó, hiện tại, Trung Quốc vẫn tồn tại 2 hệ thống pháp luật khá độc lập với nhau. Đặc khu hành chính là một ví dụ điển hình về quyền lập pháp dành cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc một quốc gia 2 chế độ. Đặc khu có Luật cơ bản riêng của mình. “Chế độ tự trị cao” thể hiện ở chỗ ngoài đường lối đối ngoại và quốc phòng thuộc đặc quyền của Chính phủ, Đặc khu hành chính Hồng Kông hoàn toàn có quyền độc lập trong việc quản lý các công việc của mình, trong đó có quyền quản lý hành chính, quyền hoạt động lập pháp, quyền tuyên bố các phán quyết tư pháp có hiệu lực cuối cùng.
2. Ban hành văn bản ở Trung ương
Luật Lập pháp của Trung Quốc xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo quy định của Luật này, Quốc hội có thẩm quyền ban hành và sửa đổi luật dân sự, hình sự và các luật về tổ chức. Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành và sửa đổi tất cả các luật trừ thẩm quyền ban hành của Quốc hội. Trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền sửa đổi, bổ sung luật của Quốc gia do Quốc hội ban hành nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của các luật đó.
Luật quốc gia được ban hành để điều chỉnh các vấn đề sau:
- Chủ quyền quốc gia.
- Thành lập, tổ chức và thẩm quyền của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân.
- Hệ thống tự trị của vùng dân tộc, đặc khu hành chính và hệ thống tự trị ở địa phương.
- Tội phạm và hình phạt.
- Sự tước đoạt quyền chính trị của công dân hoặc các biện pháp trừng phạt liên quan đến quyền tự do của cá nhân..
- Sung công tài sản không phải của nhà nước.
- Thể chế dân sự cơ bản.
- Hệ thống kinh tế cơ bản, ngân sách, thuế, hải quan, tài chính và hệ thống thương mại quốc tế.
- Hệ thống xét xử và trọng tài.
-Các vấn đề khác mà Quốc hội, hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy cần thiết phải ban hành.
Theo quy định của Luật Lập pháp, quy trình ban hành văn bản rõ ràng hơn từ khâu đề xuất, soạn thảo, kiểm tra, tham vấn, thảo luận, rút dự thảo văn bản, thông qua và công bố. Với quy trình lập pháp này, Trung Quốc tin rằng quy trình lập pháp của họ ngày càng dân chủ và hiệu quả hơn vì những lý do sau:
Thứ nhất, dự thảo văn bản phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét 3 lần trước khi bỏ phiếu và dự thảo phải trình lên Ủy ban pháp luật kiểm tra lại lần cuối cùng sau khi các ủy ban có liên quan khác đã tiến hành kiểm tra.
Thứ hai, quy trình ban hành văn bản minh bạch hơn. Trước đây, chủ yếu dự thảo luật được thảo luận trong một nhóm nhỏ có cùng chung lợi ích. Tuy nhiên, theo Luật Lập pháp, việc tổ chức cuộc họp giữa các nhóm hoặc họp phiên toàn thể của Ủy ban thường vụ Quốc hội được tổ chức nếu cần xem xét những vấn đề lớn. Lắng nghe ý kiến công chúng, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng là quy trình bắt buộc khi thẩm tra dự thảo văn bản.
Quy trình lập pháp
Tại phiên họp của Quốc hội, đoàn chủ tịch Quốc hội có thể giới thiệu một dự thảo luật để Quốc hội thảo luận.
Hội đồng Nhà nước, Ủy ban quân sự Trung ương, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, và các ủy ban của Quốc hội có thể giới thiệu dự án luật trước Quốc. Việc đưa dự án luật vào chương trình làm việc của Quốc hội sẽ do đoàn chủ tịch quyết định.
Một đoàn đại biểu, hoặc các đoàn đại biểu có ít nhất 30 thành viên, có thể giới thiệu một dự án luật trước Quốc hội, Đoàn Chủ tịch sẽ quyết định liệu có thể đưa dự án luật đó vào Chương trình nghị sự của Quốc hội hay chuyển cho các ủy ban của Quốc hội xem xét, đề xuất liệu có đủ điều kiện để đưa vào Chương trình kỳ họp của Quốc hội hay không. Trong thời gian Quốc Quốc hội không họp, dự thảo luật trước tiên trình cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đối với các dự thảo luật mà Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định trình trong kỳ họp gần nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội 1 tháng trước khi bắt đầu kỳ họp.
Nếu trước khi dự án luật được đưa vào Chương trình phiên họp của Quốc hội để bỏ phiếu, người đề nghị xây dựng văn bản xin rút dự án thì phải giải thích rõ lý do và gửi báo cáo tới đoàn chủ tịch và dự án đó sẽ được đưa ra khỏi chương trình kỳ họp.
3. Ban hành văn bản ở địa phương
Theo quy định của Luật Lập pháp, ở Trung quốc quyền lập quy của chính quyền địa phương là một trong những quyền ban hành văn bản quan trọng của quốc gia. Quyền lập quy của địa phương bao gồm việc ban hành văn bản của khu vực tự trị dân tộc, đặc khu kinh tế và khu vực hành chính đặc biệt. Quyền lập quy của chính quyền địa phương được biết đến kể từ khi luật tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi vào năm 1986. Luật lệ của địa phương là văn bản thấp nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước cộng hoà nhân dân Trung hoa. Quyền lập quy của chính quyền địa phương nhằm:
- Bảo đảm việc thi hành hiến pháp, luật, các quy tắc cũng như các chính sách cơ bản và hướng dẫn của chính phủ. Nói cách khác, các địa phương có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương mình phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Giải quyết các vấn đề mà pháp luật do trung ương ban hành không thể giải quyết hoặc các vấn đề mà tạm thời chính quyền trung ương chưa quy định.
- Giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương như quản lý nguồn nước của sông, hồ trong phạm vi địa phương, bảo vệ đê điều, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nông thôn, các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và các chính sách của địa phương về kinh tế, giáo dục, văn hoá, sức khoẻ cộng đồng và các vấn đề đặc biệt khác.
- Thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua các hoạt động truyền thống của địa phương trên cơ sở quy tắc pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các khu vực tự trị dân tộc đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi các đơn vị hành chính cùng cấp tương đương khác không có quyền này. Quyền ban hành văn bản của khu vực tự trị dân tộc là thẩm quyền đặc biệt của khu vực tự trị. Đó là mô hình quyền lực bảo đảm việc quản lý hiệu quả của chính quyền tự quản.
Việc ban hành văn bản quy phạm của khu vực tự trị do hội đồng nhân dân của khu vực tự trị ban hành trên cơ sở bản sắc dân tộc, chính sách kinh tế, chính trị và văn hoá. Ví dụ như ban hành kế hoạch giáo dục địa phương, xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học, việc sử dụng ngôn ngữ trong giảng dạy để phát triển giáo dục cho vùng dân tộc; xây dựng các chính sách trên nền tảng văn hoá dân tộc, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc, bảo vệ và bảo tồn văn hoá dân tộc; phát triển khoa học công nghệ, xây dựng chính sách khám chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ cộng đồng, phát triển các bài thuốc dân gian; phát triển thể thao dân tộc để nâng cao sức khoẻ cho nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số; bảo vệ môi trường và ngăn chặn ô nhiễm môi trường; tăng cường hợp tác với các vùng khác về giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật, sức khoẻ cộng đồng; cải cách và phát triển kinh tế trong khu vực; xác định quyền sở hữu và quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên; quản lý các doanh nghiệp trong khu vực; phát triển các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm đặc trưng của khu vực; ban hành chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với chính sách của quốc gia.
Quy trình ban hành văn bản
Theo quy định tại Điều 8 Luật Lập pháp, tất cả các vấn đề mà nhà nước chưa ban hành pháp luật, hoặc quy tắc hành chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, khu tự trị dưới sự chỉ đạo của chính phủ và Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có thể ban hành quy chế địa phương trong trường hợp đặc biệt và thực tế yêu cầu. Sau khi luật của quốc gia hoặc quy tắc hành chính có hiệu lực, bất kỳ quy định nào trong quy chế địa phương trái với các quy đinh đó sẽ không còn hiệu lực, và cơ quan ban hành sẽ tiến hành việc sửa đổi các quy định đó.
Cũng theo quy định của Luật Lập pháp, trong tình huống đặc biệt và nhu cầu điều hành cần thiết, ủy ban thường trực của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, khu tự trị, đô thị tự trị trực tiếp dưới sự chỉ đạo của chính quyền trung ương và ủy ban thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc có thẩm quyền ban hành quy chế địa phương nhưng không được trái với các quy định của Hiến pháp, luật của quốc gia và các quy tắc hành chính.
Hội đồng nhân dân của khu tự trị dân tộc có thẩm quyền ban hành quy chế tự trị và quy chế đặc biệt phù hợp với chính sách dân tộc, kinh tế và bản sắc văn hoá. Quy chế tự trị và quy chế đặc biệt sẽ có hiệu lực sau khi Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chấp thuận. Quy chế tự trị và quy chế đặc biệt của vùng tự trị thuộc khu vực tự trị sẽ có hiệu lực sau khi được Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh, khu tự trị xem xét và thông qua. Quy chế tự trị và quy chế đặc biệt có thể khác với các điều khoản của luật hoặc quy tắc hành chính nhưng phải bảo đảm sự khác biệt đó không vi phạm các nguyên tắc cơ bản và không khác với các quy định của hiến pháp và luật về khu tự trị dân tộc và không vi phạm bất kỳ một đạo luật hoặc nguyên tắc hành chính nào liên quan đến khu tự trị dân tộc.
Trong trường hợp đặc biệt và thực tế quản lý yêu cầu, hội đồng nhân dân thành phố và ủy ban thường trực hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc tỉnh có thể ban hành quy chế nhưng không được trái với các quy định của Hiến pháp, luật của quốc gia, các quy tắc hành chính và quy chế địa phương của tỉnh, khu vực tự trị mà thành phố đó trực thuộc và quy chế đó chỉ có hiệu lực thi hành sau khi ủy ban thường trực hội đồng nhân dân của tỉnh hoặc khu tự trị xem xét và chấp thuận. Ủy ban thường trực hội đồng nhân dân của tỉnh hoặc khu tự trị sẽ xem xét tính pháp lý của quy chế mà thành phố trực thuộc đệ trình để thông qua. Quy chế đó sẽ được ban hành trong thời hạn 4 tháng nếu quy chế đó không trái với bất kỳ điều khoản nào của Hiến pháp, luật của quốc gia, các quy tắc hành chính và quy chế địa phương, quy chế của khu tự trị mà thành phố đó trực thuộc.
Trình tự, thủ tục trình bày, thảo luận và bỏ phiếu đối với dự thảo quy chế địa phương, quy chế khu tự trị và dự thảo quy chế đặc biệt sẽ do hội đồng nhân dân và chính quyền địa phương thông qua.
Sau khi ban hành, Quy chế địa phương, quy chế khu tự trị và quy chế đặc biệt được xuất bản trong công báo của Ủy ban thường trực hội đồng nhân dân và các báo trong thời hạn luật định. Quy chế địa phương, quy chế khu tự trị, quy chế đặc biệt trong công báo của Ủy ban thường trực hội đồng nhân dân là văn bản chính thức.
Thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ luật quốc gia, quy tắc hành chính, Quy chế địa phương, quy chế khu tự trị, quy chế đặc biệt và quy tắc địa phương như sau:
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ bất kỳ quy chế khu tự trị và quy chế đặc biệt do Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chấp thuận nếu vi phạm Hiến pháp hoặc quy định tại khoản 2 điều 66 của Luật Lập pháp.
Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có thẩm quyền bãi bỏ bất kỳ quy tắc hành chính nào vi phạm Hiến pháp hoặc bất kỳ đạo luật nào và có quyền hủy bỏ bất kỳ quy tắc địa phương nào trái Hiến pháp hoặc bất kỳ đạo luật, quy tắc hành chính nào; có quyền bãi bỏ quy chế khu tự trị và quy chế đặc biệt nào do Ủy ban thường trực hội đồng nhân dâp cấp tỉnh ban hành vi phạm các quy định của Hiến pháp và khoản 2 Điều 66 của Luật Lập pháp.