Bạc Liêu: Hướng dẫn một số hoạt động tại các đơn vị làm điểm chỉ đạo công tác hòa giải cơ sở

28/04/2023
Bạc Liêu: Hướng dẫn một số hoạt động tại các đơn vị làm điểm chỉ đạo công tác hòa giải cơ sở
Nhằm hướng dẫn các đơn vị được chọn làm đơn vị điểm chỉ đạo trong công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023 tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành.
Năm 2023, Sở Tư pháp chọn 03 đơn vị làm điểm chỉ đạo trong công tác hòa giải ở cơ sở gồm: Ủy ban nhân dân thị trấn Hòa Bình - huyện Hòa Bình, xã Châu Thới - huyện Vĩnh Lợi, xã Định Thành - huyện Đông Hải. Ngoài 03 đơn vị này, tùy vào tình hình thực tế của địa phương, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xem xét lựa chọn thêm một số đơn vị cấp xã khác trên địa bàn để làm đơn vị chỉ đạo điểm trong công tác hòa giải ở cơ sở (ưu tiên lựa chọn đơn vị cấp xã có tỷ lệ hòa giải thành thấp, những xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023).
Đồng thời, để hướng dẫn các đơn vị được chọn làm đơn vị điểm chỉ đạo, ngày 18/4/2023 Giám đốc Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 428/STP-PBGDPL về việc hướng dẫn một số hoạt động tại các đơn vị làm điểm chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023. Theo đó, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm trong công tác hòa giải ở cơ sở như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vị trí vai trò và tầm của công tác hòa giải ở cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở và tuyên truyền trực tiếp của hòa giải viên. 
Rà soát, đánh giá thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tiến hành củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, bầu bổ sung, thay thế hòa giải viên, đảm bảo các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định. Rà soát, hướng dẫn, tạo điều kiện và chủ động mời đội ngũ luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho tổ hòa giải ở cơ sở.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở tại các đơn vị điểm bằng các hình thức như: Tổ chức hội nghị, cấp phát tài liệu, diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay,... 
Lựa chọn trên địa bàn tổ hòa giải tiêu biểu xuất sắc, có cách làm hay, tỷ lệ hòa giải thành cao để xây dựng mô hình điểm và nhân rộng mô hình trên địa bàn; hoặc chọn tổ hòa giải có tỷ lệ hòa giải thành thấp, có nhiều vụ việc khó giải quyết, hòa giải thành bị tái mâu thuẫn để chọn làm điểm chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời,... 
Tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại các đơn vị điểm qua đó phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập để hướng dẫn, giải quyết kịp thời; khen thưởng những hòa giải viên, tổ hòa giải điển hình, xuất sắc, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở và nhân rộng những mô hình hòa giải ở cơ sở hay trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở cần chú trọng nâng cao chất lượng hòa giải, không “chạy” theo số lượng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Triển khai các hoạt động, giải pháp để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành ở các tổ hòa giải ở cơ sở tại các đơn vị điểm đạt từ 88% trở lên, đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt từ 90% trở lên. 
Tập trung phân bổ kinh phí quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở và kinh phí công tác hòa giải ở cơ sở cho các đơn vị được chọn làm điểm chỉ đạo đầy đủ, kịp thời và có các giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
 
Trần Thái