Sở Tư pháp Thanh Hóa xếp TOP 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI)

28/04/2023
Sở Tư pháp Thanh Hóa xếp TOP 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI)
Ngày 24/4/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2022, trong đó Sở Tư pháp xếp vị trí thứ 5 với 78.83 điểm.
Ngày 15/11/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3920/QĐ-UBND về triển khai thực hiện Đề án đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2022, VCCI Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để khẩn trương triển khai các nội dung của đề án, bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, tiến độ đã được phê duyệt. Đơn vị đã tập hợp danh sách các DN, HTX, hộ kinh doanh trên cơ sở danh sách từ Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng 52 đơn vị tham gia đánh giá. VCCI Thanh Hóa đã thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên hơn 5.000 DN, HTX, hộ cá thể để phát ra hơn 12.000 phiếu khảo sát với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cũng theo VCCI Thanh Hóa, tại lần thứ 2 triển khai đề án này, VCCI Thanh Hóa đã sửa đổi, bổ sung một số câu hỏi, phương án trả lời để thông tin thu về chính xác và có tính phân loại cao hơn; đồng thời, các khảo sát viên đã thường xuyên, tích cực trực tiếp xuống địa bàn để hướng dẫn các DN trả lời Phiếu khảo sát. Qua đó, đã nâng cao tính đại diện, khách quan, chính xác và rút ngắn thời gian khảo sát ý kiến của các Doanh nghiệp. Kết quả, có 2.746 phiếu khảo sát hợp lệ được đưa vào xử lý dữ liệu tính toán, xếp hạng, trong đó có 1.417 phiếu khảo sát đánh giá các sở, ban, ngành; 1.329 phiếu khảo sát đánh giá các UBND cấp huyện
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2022, khối các đơn vị sở, ngành có 7 đơn vị xếp hạng tốt gồm: Cục Hải quan tỉnh, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh. Trong đó, ghi nhận Cục Hải quan là đơn vị dẫn đầu, với 85,10 điểm. Vị trí thứ 2 và thứ 3 thuộc về Sở Công thương và Sở Thông tin và Truyền thông, với lần lượt 80,77 và 80,18 điểm. Tiếp theo là 3 đơn vị có điểm số đều ở mức trên 78 điểm, bao gồm Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp và Bảo hiểm xã hội tỉnh. Thanh tra tỉnh được 71,07 điểm, xếp ở vị trí số 7, và đây cũng là đơn vị cuối cùng được xếp vào nhóm “tốt”. Tiếp theo là 8 đơn vị thuộc nhóm “Khá”, với điểm số dao động ở mức từ 68,08 điểm xuống 65,28 điểm, gồm: Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp. Tiếp theo là 6 đơn vị thuộc nhóm “Trung bình” với điểm số dao động từ 63,65 điểm xuống 51,64 điểm, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Kho bạc Nhà nước và Sở Khoa học và Công nghệ.
Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đứng cuối bảng, với 45,16 điểm. Đây cũng là đơn vị duy nhất ở nhóm “Chưa tốt”. Có 3 đơn vị cấp sở, ngành là: Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ và Ban Dân tộc không thực hiện đánh giá do không đủ số phiếu tối thiểu.
 
 
Điểm trung vị của DDCI khối sở, ngành năm 2022 là 66,8 điểm, cao hơn 7,50 điểm so với năm 2021 (điểm trung vị của năm 2021 là 59,30 điểm). Đây là mức tăng điểm đáng kể, cho thấy năng lực điều hành của các sở, ngành trong tỉnh theo đánh giá của DN nhìn chung là có cải thiện. Trong đó, có 20/21 đơn vị có điểm số tăng so với năm 2021, trong đó Cục quản lý thị trường là đơn vị có điểm số tăng mạnh nhất, ở mức 25,92 điểm. Các đơn vị khác cũng có mức điểm tăng mạnh là Sở Thông tin và Truyền thông (+22,72 điểm), Bảo hiểm xã hội tỉnh (+16,16 điểm) và Sở Tư pháp (+4.21 điểm). 
 

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam trao biểu trưng top đầu cho nhóm các sở, ngành.
 
Ngoài việc khảo sát 8 chỉ số thành phần theo quy định, VCCI - Chi nhánh Thanh Hóa còn khảo sát thêm một số nội dung tuy không phù hợp để tính điểm xếp hạng giữa các đơn vị trong cùng một nhóm, nhưng lại có tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường kinh doanh của tỉnh, như: Gia nhập thị trường, đào tạo lao động, hiệu quả của hệ thống cơ quan tư pháp, vai trò của hiệp hội, nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp.
Với việc đánh giá bộ chỉ số DDCI hàng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, năng lực thực thi nhiệm vụ hành chính công của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới.
 
Phạm Sơn