Một số kết quả thực hiện Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp Đà Nẵng giữa kỳ giai đoạn 2006-2010

10/07/2008
Thực hiện Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2006 - 2010 của Bộ Tư pháp, từ năm 2006 đến nay Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

Hàng năm, Sở đã tổ chức tổng kết tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch hành động VSTBPN để kịp thời rút ra những kinh nghiệm trong chỉ đạo và triển khai thực hiện trên cơ sở Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 và hướng dẫn của Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Sở đã tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung các văn bản của Trung ương và của địa phương về hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nói chuyện chuyên đề, các hội thi, phát động thi đua phụ nữ hai giỏi “giỏi việc nước, đảm việc nhà” để kịp thời khích lệ, động viên và phát huy tinh thần vươn lên của phụ nữ ngành Tư pháp.

          Thực hiện công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và các chế độ ưu đãi khác đối với đội ngũ công chức nữ trong ngành và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Công ước CEDAW về bình đẳng giới, hoạt động VSTBPN và gương công chức nữ điển hình ngành Tư pháp.

          Hiện tại, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng có số cán bộ nữ/ tổng số cán bộ là 69/109 (tỷ lệ 63,3%); Số cán bộ quản lý nữ/ tổng số cán bộ nữ là 06/69 (tỷ lệ 8,69%). Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: có 52 cán bộ nữ có trình độ đại học trở lên (tỷ lệ 47,7%), 17 cán bộ có trình độ trung cấp (tỷ lệ 28,8%). Về trình độ lý luận chính trị: có 01 cán bộ nữ có bằng cử nhân; 02 cán bộ có trình độ cao cấp; 07 có trình độ trung cấp (tỷ lệ 16,9%). Về nữ công chức tham gia lãnh đạo: có 06 cán bộ, trong đó: 01 giám đốc Sở, 01 Phó Giám đốc; 01 trưởng phòng và 03 phó trưởng phòng (tỷ lệ 8,69%). Tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng chiếm tỷ lệ cao (43,3%).

          Sở quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức nữ nói riêng. Hiện nay, ngành Tư pháp thành phố đã có 04 công chức tham gia các lớp đào tạo sau đại học, trong đó có 03 cán bộ là nữ, chiếm 5% trong tổng số cán bộ nữ của ngành. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Sở đã tổ chức khảo sát, thống kê tình hình đội ngũ cán bộ nữ trong toàn ngành, đến nay có 100% công chức nữ được đào tạo ở trình độ trung cấp trở lên. Trên cơ sở hướng dẫn xây dựng quy hoạch cán bộ, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành tư pháp, một số tổ chức, đơn vị thuộc ngành đã triển khai xây dựng và thực hiện các quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức nữ. Nhìn chung, lãnh đạo Sở Tư pháp đã quan tâm sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của cán bộ, công chức nữ, tạo điều kiện để công chức nữ tham gia các lớp học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ... Tỷ lệ nữ cán bộ, công chức được tham dự các lớp bồi dưỡng từ 2006 đến nay là hơn 60%, trong đó: 12 người học tin học, 4 người học ngoại ngữ, 25 người học các lớp tập huấn nghiệp vụ...

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình Sở đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đăng ký kết hôn, khai sinh và việc nhận nuôi con nuôi, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố.

  Công tác tuyên truyền từ năm 2006 đến nay đã đi vào chiều sâu và được đánh dấu bởi nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là tổ chức quán triệt, phối hợp phổ biến, giáo dục sâu rộng Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình trong toàn thể cán bộ, công chức của ngành và các Sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố với 36 buổi cho hơn 5.250 lượt phụ nữ tham dự.

Để khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm pháp luật phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực, Sở Tư pháp đã biên soạn và triển khai thực hiện 9.000 phiếu khảo sát, điều tra xã hội học về kiến thức và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân (trong đó có đối tượng chủ yếu là phụ nữ) trên địa bàn thành phố. Qua đó nhằm tham mưu, đề xuất phương thức, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phù hợp và đạt hiệu quả.

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cộng tác viên, tư vấn về giới trong hơn hai năm qua đã tổ chức được 04 cuộc họp chuyên đề, 45 buổi báo cáo pháp luật, 2 buổi toạ đàm về giới vượt 25% so với kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Sở còn phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức cung cấp 675 văn bản pháp luật miễn phí và tư vấn pháp lý cho 3.150 trường hợp là phụ nữ. Thông qua hoạt động này, nhiều văn bản của thành phố và trung ương được tuyên truyền, phổ biến đến chị em, góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ trong đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ trên diện rộng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho phụ nữ ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của thành phố. Những nội dung được chị em quan tâm nhiều như đăng ký kết hôn, khai sinh, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong các vụ án ly hôn và việc thi hành án dân sự có liên quan đến con cái, tài sản chung của vợ chồng.

Cán bộ tư pháp - hộ tịch đã tham mưu UBND xã, phường tập trung chỉ đạo các Tổ hoà giải ở cơ sở tiến hành hoà giải thành trên 80% trường hợp mâu thuẫn của các cặp vợ, chồng, các hộ gia đình. Chính việc hoà giải thành đã góp phần quan trọng trong việc đoàn tụ gia đình, giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng phụ nữ bị hạn chế về quyền lợi.

Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ công chức nữ cũng được Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ quan tâm và thực hiện tốt như: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, gia đình chính sách… khen thưởng kịp thời các công chức nữ có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, động viên công chức nữ tham gia các phong trào nữ công “Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Bên cạnh đó, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đã tham mưu cho lãnh đạo Sở tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về giới, dân số, sức khoẻ, hạnh phúc gia đình vào các ngày lễ của phụ nữ như ngày 8/3, ngày 20/10… nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cũng như bảo đảm sức khoẻ của người phụ nữ trong cuộc sống. Ngoài ra, Ban còn tham mưu Giám đốc Sở tổ chức, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức nữ kiểm tra sức khoẻ định kỳ, khám chữa bệnh theo chế độ.

          Đối với công tác chỉ đạo, tổ chức, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự Sở cũng đã tích cực xây dựng, củng cố, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của ngành, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho các thành viên của Ban. Hàng năm, ngành Tư pháp cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp để căn cứ vào kế hoạch triển khai các nội dung công việc đã đề ra trong năm. Hiện nay Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp đã được củng cố với 07 thành viên, do đồng chí Phó giám đốc Sở làm Trưởng ban, các thành viên gồm các đồng chí là Chủ tịch Công đoàn, Chánh Thanh tra, Trưởng Thi hành án dân sự, Phó Chánh Văn phòng, Phó trưởng phòng phổ biến, giáo dục pháp luật và một thư ký giúp việc.

          Nhìn chung thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng uỷ, lãnh đạo Sở và sự hưởng ứng tích cực của các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, công tác cán bộ nữ và việc lồng ghép các mục tiêu Vì sự tiến bộ của phụ nữ vào hoạt động chuyên môn đã đạt được các kết quả nhất định, góp phần tích cực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ngành và thực hiện các mục tiêu mà Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ Tư pháp và của thành phố Đà Nẵng đề ra. Đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ nữ nói riêng đang từng bước được nâng cao về trình độ, kiến thức và vị trí, vai trò trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của ngành./.

 Thu Hường