Tư pháp Quảng Ngãi: Nhìn lại 02 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về cải cách hành chính

10/07/2008
Công tác cải cách hành chính luôn là nhiệm vụ được lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, thường xuyên tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành các quy định của Đảng cũng như của Nhà nước liên quan đến công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức của ngành nhận thức về công tác này là khá đầy đủ và toàn diện, tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính.

Trong lĩnh vực cải cách thể chế, việc thực hiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chặt chẽ. Trên cơ sở kế hoạch hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt, 02 năm qua Sở Tư pháp đã thẩm định, góp ý 359 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh trên tất các các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, đạt 181 % kế hoạch (trong đó Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 08 văn bản quy phạm pháp luật). Tổ chức lấy ý kiến trong ngành 25 dự thảo Luật, Pháp lệnh và 20 dự thảo Nghị định của Chính phủ và Quyết định, Thông tư của Bộ, ngành Trung ương đảm bảo chất lượng và thời gian. Trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra tổng số 124.893 văn bản các loại tại 14 huyện, thành phố. Qua kiểm tra, Sở Tư pháp đã kiến nghị các huyện, thành phố kịp thời khắc phục những sai sót trong công tác ban hành văn bản, đưa công tác ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh tiếp tục đi vào nề nếp. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn tiến hành kiểm tra 315 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND cấp huyện ban hành và gửi đến, nhìn chung có sai sót nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. Hoạt động tự kiểm tra và rà soát, hệ thống hoá văn bản được Sở Tư pháp tiến hành thường xuyên. Sở Tư pháp tiến hành rà soát văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành trên 13 lĩnh vực là: gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); cư trú; kinh doanh bất động sản; chiến lược biển Việt Nam; quy hoạch; giao thông; dân sự; tư pháp; công nghiệp; ưu đãi đầu tư; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; văn hoá thông tin và tài chính. Đặc biệt trong năm 2007, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai rà soát văn bản về đất đai do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 1996 đến năm 2007 với tổng số 540 văn bản các loại liên quan đến lĩnh vực đất đai được rà soát. UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 57, 58, 59 và 60/QĐ-UBND công bố danh mục các văn bản QPPL trong lĩnh vực đất đai do UBND tỉnh ban hành từ năm 1996-2007. Theo đó, 26 văn bản còn hiệu lực, 66 văn bản hết hiệu lực, 26 văn bản cần huỷ bỏ, bãi bỏ và 26 văn bản còn hiệu lực nhưng cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Việc thực hiện cơ chế “một cửa” trong quan hệ giải quyết công việc giữa Sở Tư pháp với tổ chức và công dân, các lĩnh vực hộ tịch và công chứng đều tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân có yêu cầu. Hiện nay, Sở Tư pháp đang phối hợp với các ngành liên quan xây dựng Đề án áp dụng “cơ chế một cửa liên thông” trong việc giải quyết việc đăng ký kết hôn và đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy chứng nhận mất quốc tịch Việt nam và Giấy chứng nhận không có quốc tịch Việt Nam; cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, trình UBND tỉnh thông qua.

Các khâu giải quyết công việc của Sở được công khai minh bạch, lãnh đạo Sở chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát các quy định về thủ tục, giấy tờ cần thiết và thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức và công dân. Theo đó, các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực như công chứng, đăng ký hộ tịch, bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự được Sở Tư pháp chỉ đạo các bộ phận liên quan niên yết công khai tại trụ sở và trên Trang thông tin điện tử của Sở để cho nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Trong công tác cải cách tổ chức bộ máy, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 38/2006/QĐ-UBND ngày 19/7/2006 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp để phù hợp với nhiệm vụ mới mà ngành đang đảm nhận. Mặt khác, Giám đốc Sở đã ban hành Quyết định số 85/QĐ-STP ngày 07/8/2006 về Quy chế làm việc của Sở và ban hành Quyết định số 08/QĐ-STP ngày 06/02/2007 phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức giúp việc cho Giám đốc Sở đã xác định rõ các nguyên tắc làm việc, cơ chế phối hợp cũng như tăng trách nhiệm và tính tự chủ của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở và từng cán bộ, công chức, viên chức, phát huy cao tính dân chủ, tinh thần tập thể, tính kỷ luật và những sáng kiến đối với từng cá nhân. Nhìn chung, qua việc cải cách tổ chức bộ máy, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở đối với các tổ chức giúp việc cho Giám đốc Sở, các đơn vị trực thuộc Sở cũng như sự phối hợp trong công tác giữa các tổ chức giúp việc cho Giám đốc Sở với các đơn vị trực thuộc Sở được thực hiện nhịp nhàng và đạt hiệu quả cao.

Trong công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Lãnh đạo Sở đã tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có, từ đó tiến hành sắp xếp, bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường của từng người; thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại những cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực vào các chức danh Trưởng, Phó Trưởng phòng, Chấp hành viên Thi hành án dân sự. Công tác quy hoạch được chú trọng, đội ngũ cán bộ Lãnh đạo Sở và Trưởng, Phó phòng, đơn vị trực thuộc được quy hoạch đến năm 2010; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước được chú trọng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh đảm nhiệm. Công tác tuyển dụng cán bộ được đổi mới từ khâu sơ xét tuyển để chọn ra những người đảm bảo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức phẩm chất và năng lực thực tế để bố trí công tác; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động cho Tư pháp cấp huyện và xã, đầu tư con người, giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo chuyên môn để cán bộ, công chức các Phòng Tư pháp đủ sức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội đào tạo lớp Trung cấp Luật khoá III để bổ sung cho Tư pháp cấp xã với 174 học viên theo học. Mặt khác, để củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 23/2007/CT-UBND ngày 28/9/2007.

Việc áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của Sở luôn được Lãnh đạo Sở chú trọng, lãnh đạo Sở đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức của Sở tham gia học tập các lớp về tin học, ngoại ngữ để nâng cao sự hiểu biết và tiếp cận nhanh với các tiến bộ về khoa học công nghệ, đến nay 100% cán bộ, công chức, viên chức thao tác trên máy vi tính để xử lý công việc. Bên cạnh đó, trang thiết bị làm việc hiện đại cũng được lãnh đạo Sở trang bị khá đầy đủ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu của Sở đều được trang bị máy vi tính để xử lý công việc.

Nhìn chung, sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010, Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh chặt chẽ công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên toàn tỉnh; kịp thời kiểm tra, rà soát và kiến nghị UBND tỉnh cũng như UBND các huyện, thành phố sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc huỷ bỏ các văn bản có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, hạn chế kịp thời những sai sót và hậu quả xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà cũng như sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, nâng cao hiệu lực về quản lý nhà nước ở địa phương. Các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực do ngành quản lý được công bố và thực hiện công khai đã tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, công dân thực hiện và giám sát việc thực hiện, góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện cơ chế “một cửa” trong quan hệ giải quyết công việc giữa Sở Tư pháp với tổ chức và công dân được thực hiện có hiệu quả, tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức và công dân có yêu cầu. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở được nâng cao, đảm bảo về năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị, đáp ứng tốt yêu cầu cnhiệm vụ chính trị của ngành./.

Cao Nguyên