Thị xã Tam Điệp: Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác hoà giải cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật

10/07/2008
Ngày 9/7/2008, UBND Thị xã Tam Điệp đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải ở cơ sở và Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng tủ sách pháp luật nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện 2 nội dung trên, những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hoà giải cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật trên địa bàn trong thời gian tới.

Kết quả thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở 

Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở (HGCS) và các văn bản hướng dẫn thi hành trong 10 năm qua đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả trên địa bàn thị xã.

Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thường trực Thị uỷ, HĐND thị xã, sự hướng dẫn của Sở Tư pháp Ninh Bình, UBND Thị xã Tam Điệp đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với UBMTTQ Thị xã chỉ đạo và hướng dẫn Ban Tư pháp, UBMTTQ các xã, phường phối hợp với các tổ chức thành viên của mặt trận tiến hành rà soát số lượng tổ hoà giải hiện có ở các xã, phường, số hoà giải viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng đáp ứng yêu cầu công tác, số người cần bổ sung, các trường hợp thôi không làm tổ viên tổ hoà giải. Trên cơ sở đó giới thiệu để nhân dân bầu và UBND các xã, phường ra quyết định công nhận. Vì vây thời gian qua tổ chức hoà giải ở cơ sở trên địa bàn Thị xã Tam Điệp từng bước được xây dựng và củng cố. Năm 2000 Thị xã có 95 tổ  hoà giải với 395 hoà giải viên, đến năm 2004 có 110 tổ hoà giải với 628 hoà giải viên, năm 2008 có 119 tổ hoà giải với 756 hoà giải viên. Mô hình tổ hoà giải ở cơ sở được thành lập theo tổ dân phố, thôn, xóm, cụm dân cư. Mỗi tổ hoà giải từ 5 đến 10 hoà giải viên. Hào giải viên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có uy tín trong nhân dân, nhiệt tình đối với công tác hoà giải, có khả năng thuyết phục và vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật. Thành viên tổ hoà giải là Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, thành viên Hội cựu chiến binh, Bí thư chi đoàn thanh niên, hội người cao tuổi.. Ở các xã, phường đều thành lập Ban hoà giải do đồng chí Phó Chủ tịch UBND kiêm trưởng Ban Tư pháp làm trưởng Ban hoà giải.

Trong 10 năm qua UBND Thị xã Tam Điệp đã tổ chức được 6 lớp tập huấn về nghiệp vụ hoà giải cho các tổ viên tổ hoà giải, kịp thời cung cấp những văn bản quy phạm pháp luật mới, những chủ trương chính sách mới của Đảng và nhà nước cũng như tình hình chính trị kinh tế văn hoá xã hội của địa phương cho các tổ viên tổ hoà giải. Song song với việc bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải, nhằm tạo điều kiện cho các hoà giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hoà giải thực tế ở địa phương UBND Thị xã đã chỉ đạo Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp phối hợp với MTTQ các cấp tổ chức hội thi hoà giải viên giỏi ở đơn vị mình. Đồng thời thị xã đã tổ chức thành công 2 cuộc thi hoà giải viên giỏi cấp thị . Năm 2000, Hội thị HGV Thị xã đã được chọn làm hội thí điểm của tỉnh. Thông qua các cuộc thi đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong công tác hoà giải ở cơ sở,  giúp các HGV tự nâng cao hiểu biết nghiệp vụ kinh nghiệm trong quá trình hoà giải tại đơn vị mình.

Về hoạt động của tổ hoà giải: Trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức, lối sống, tính cách, hiểu biết ở mức độ khác nhau về pháp luật nên việc nảy sinh mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ dân, giữa cá nhân với cá nhân  trong cộng đồng dân cư là không thể tránh khỏi. 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động HGCS, UBND thị xã đã chỉ đạo các xã, phường thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở, các tổ hoà giải đã hướng dẫn, thuyết phục các bên tranh chấp tự thảo thuận giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, giữ vững được đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa và hạn chế  vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu những vụ khiếu kiện, vượt cấp đông người . Tổng số vụ việc đã thực hiện là 2925 trong đó có 2794 vụ hoà giải thành đạt 95.5%.

Do tính chất đặc thù của công tác hoà giải là  vận động quần chúng vì vậy cần có sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp quản lý hoạt động hoà giải ở cơ sở, Phòng tư pháp thị xã, Ban Tư pháp các xã, phường đã phối kết hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên động viên nhân dân xây dựng củng cố các tổ hoà giải, giúp đỡ tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở phát huy và ngày càng nâng cao được hiệu quả. UBMTTQ thị xã và các xã, phường đã xác định công tác hoà giải là một trong những nội dung xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Kết quả công tác xây dựng, quản lý khai thác tủ sách pháp luật (TSPL)

 

 

Ngay sau khi có Quyết định số 1067/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 355/1999/QĐ-BTP ngày 22/11/1999 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế xây dựng quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, UBND Thị xã đã tổ chức triển khai nội dung các văn bản trên đến UBND các xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học.

UBND Thị xã đã chỉ đạo Phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch về việc huy động sách báo, tài liệu sẵn  có trong đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở và các nguồn kinh phí  tham gia xây dựng Tủ sách pháp luật ở các xã, phường. Phối hợp với phòng Tài chính và kế hoạch Thị xã xây dựng kế hoạch kinh phí xây dưụng tủ sách pháp luật và hướng dẫn các xã, phường lập dự toán cân đối ngân sách hàng năm cho việc xây dựng và duy trì TSPL theo quy định tại Thông tư số 05/1999/TTLT-TC-TP ngày 28/01/1999 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính và theo đúng quy định về quản lý ngân sách hiện hành.

Sau khi các xã, phường thành lập TSPL và đưa vào quản lý, khai thác, hàng năm UBND thị xã chỉ đạo Phòng Tư pháp xây dựng danh mục các sách, báo, tài liệu pháp luật mới gửi các xã, phường, trên cơ sở nhu cầu của cán bộ công chức trong giải quyết công việc và nhu cầu tìm đọc của người dân, chính quyền địa phương sẽ tiến hành bổ sung, mua mới các loại đầu sách cho phù hợp và phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, tham khảo. Định kỳ 6 tháng và cuối năm Thị xã thành lập Đoàn kiểm tra công tác tư pháp xác xã, phường trong đó có nội dung kiểm tra công tác xây dựng, quản lý khai thác TSPL. Ngoài việc xây dựng TSPL ở UBND các xã, phường một số đơn vị, phòng ban, ngành cũng triển khai xây dựng TSPL hoặc ngăn sách pháp luật ở đơn vị mình như: Trường Cao đẳng nghề xây dựng cơ điện Tam Điệp, Trường THPT Nguyễn Huệ, Công an Thị xã, TAND thị xã, Phòng Tư pháp. Năm 1999 Thị xã mới chỉ có 16 TSPL  với 1497 đầu sách thì đến nay có 38 TSPL với tổng số 3984 đấu sách.

UBND các xã, phường đã nghiêm túc khẩn trương triển khai thực hiện việc xây dựng TSPL, quan tâm đầu tư kinh phí cho việc mua sắm tủ đựng sách đảm bảo chất lượng, đúng quy cách. Trung bình mỗi tủ sách được đầu tư kinh phí ban đầu 1,5 đến 2 triệu đồng, huy động số sách báo sẵn có của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở và mua thêm đầu sách mới theo danh mục tài liệu dược hướng dẫn. Hầu hết các tủ sách đều có tương đối đầy đủ 4 loại tài liệu theo quy định đó là:

- Công báo, các tập hệ thống hoá văn bản QPPL do địa phương ban hành, một số sách hệ thống hoá văn bản QPPL chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến nhân dân và chính quyền cơ sở.

- Sách pháp luật phổ thông: sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, các tờ gấp tuyên truyền phổ biến pháp luật.

- Sách hướng dẫn nghiệp vụ tư pháp của chính quyền hành chính cơ sở.

- Báo pháp luật trung ương.

Không chỉ ở xã, phường mà các cơ quan, đơn vị trường học cũng triển khai xây dựng TSPL với số lượng đầu sách và các tài liệu pháp khác khá phong phú, tạo điều kiện cho cán bộ công chức viên chức tra cứu, cập nhật kịp thời, sử dụng có hiệu quả. Trong đó đáng chú ý là ngăn sách pháp luật của Phòng Tư pháp ngoài các văn bản pháp luật do cơ quan cấp trên  cấp còn có nhiều văn bản pháp luật mới  được đầu tư kinh phí hàng năm mua bổ sung.

Các TSPL thường xuyên được bổ sung để phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương và phù hợp với nhu cầu của người đọc. Từ ănm 2003 đến nay, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp, UBND thị xã đã cấp phát hỗ trợ cho mỗi tủ sách 38 cuốn sách pháp luật và gần 200 tài liệu pháp luật khác. Mỗi xã phường đều dành kinh phí 1,5 đến 2 triệu đồng để đầu tư mua bổ sung cho TSPL nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân như Phường Trung Sơn, Phường Nam Sơn, xã Đông Sơn. Danh mục các đầu sách báo được ghi vào sổ đăng ký cá biệt để quản lý, thống kê kiểm kê hàng năm. Công tác đăng ký sách báo được tiến hành thường xuyên, liên tục kịp thời, chính xác theo thứ tự ngày, tháng, sách báo được nhập hay xuất khỏi tủ sách.

Công tác quản lý TSPl do cán bộ Tư pháp xã, phường tiếp nhận và phục vụ. Hầu hết đều có trình độ văn hoá, có hiểu biết về chuyên môn pháp luật và tinh thần trách nhiệm lòng nhiệt tình. Cán bộ quản lý tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật ở các phòng, ban, ngành và nhà trường trên địa bàn thị xã phần lớn là cán bộ làm công tác pháp chế có trình độ trung cấp trở lên nên có thể hướng dẫn, giải thích cho nhân dân và cán bộ trong tìm hiểu, tra cứu.

Hoạt động quản lý khai thác TSPL được thực hiện một cách khoa học, đảm bảo đủ điều kiện vật chất trang thiết bị như bàn, ghế, phòng đọc phục vụ nhân dân đến tìm hiểu. Các tủ sách đều xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, quy định rõ trách nhiệm cho người đọc phải bảo quản, giữ gìn, nếu làm hư hỏng, mất mát phải đền bù theo quy định.

Hoạt động của TSPL đã trực tiếp đưa pháp luật vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân, giúp cán bộ công chức thực hiện việc quản lý nhà nước một cách có hiệu quả, giúp cho nhân dân thực hiện tốt quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc khai thác TSPL được thực hiện thông qua 2 hình thức đó là đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà. Trong 10 năm đã có 37.263 lượt cán bộ, nhân dân đến tìm hiểu tham khảo và mượn về nghiên cứu.

Thiều Thị Tú