Qua 10 năm thực hiện công tác hoà giải ở thị trấn Bình Định Hàn gắn những xích mích từ cơ sở

10/07/2008
Qua hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở vừa được UBND thị trấn Bình Định (An Nhơn - Bình Định) tổ chức, cho thấy ý nghĩa và vai trò hoạt động hoà giải ở cơ sở đã gìn giữ tình làng nghĩa xóm.

Trong 10 năm qua, đội ngũ hoà giải viên trong toàn thị trấn không ngừng được  củng cố, bổ sung về số lượng và chất lượng.Toàn thị trấn hiện có hơn 4.000 hộ dân ở 8 khu vực, mỗi khu vực đều có tổ hoà giải với tổng số 48 hoà giải viên. Trong đó, các hoà giải viên đại diện cho Hội phụ nữ, Thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, hoặc Khu vực trưởng kiêm Tổ trưởng Tổ hoà giải của khu vực.

Cũng trong 10 năm qua, các Tổ hoà giải của thị trấn đã hoà giải  thành 418/488 vụ việc, trong đó, số vụ việc về dân sự là 87; số vụ việc về hôn nhân và gia đình là 98; về đất đai là 122, các tranh chấp nhỏ khác là 47 vụ. Điển hình như vụ tranh chấp góp vốn giữa những thành viên trong hội bảo thọ hoặc vụ chồng thường xuyên đánh vợ vì nghi vợ ngoại tình của thôn Liêm Châu, vụ tranh chấp đất đai giữa anh em ở thôn Liêm Trực...điều được các hoà giải viên tìm hiểu, phân tích phải trái đôi bên, vận động, khuyên giải các bên tranh chấp tự nguyện hoà giải, đem lại tình làng nghĩa xóm, gìn giữ trật tự-an toàn ở cơ sở.

Thị trấn Bình Định hiện có 5/8 tổ trưởng tổ hoà giải có “thâm niên” trên 10 năm làm công tác hoà giải, chính những người này nắm kỷ địa bàn dân cư, điều kiện, quan hệ...của từng hộ gia đình, do vậy, khi có tranh chấp xảy ra họ trực tiếp hoà giải mới thành công. Nói về những kinh nghiệm trong việc hoà giải thành ở cơ sở, ông Lê Hữu Đức, Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ hoà giải thôn Liêm Châu, là một trong những người nhiều năm tham gia công tác hoà giải cơ sở cho biết: Để hoà giải thành công một bất kỳ một vụ việc xích mích nhỏ nào trong khu dân cư, trước hết chọn hoà giải viên phải có uy tín, kiên trì nắm chắc nội dung và tìm cho ra nguyên nhân vụ việc, mới có biện pháp thích hợp hoà giải. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hoàng, bí thư chi bộ của khu phố Nguyễn Thị Minh Khai cho biết thêm: Trong công tác hoà giải không thể thiếu vai trò các cơ quan đoàn thể, tham khảo ý kiến mọi người xung quanh, gia đình, tộc họ có người đang tranh chấp, tìm hiểu và nắm cho được các chủ trương, chính sách pháp luật để vận dụng vào hoà giải mới thành công. Ông Phạm Hữu Trung, Bí thư thị trấn Bình Định cho biết: " 10 năm thực hiện công tác hoà giải cơ sở, Đảng uỷ và chính quyền thị trấn luôn coi trọng công tác hoà giải cơ sở, bởi nó góp phần cho việc giữ gìn sự bình yên trong cộng đồng dân cư, mà còn hạn chế kịp thời tình trạng khiếu kiện, hàn gắn kịp thời những xích mích trong láng giềng, trong gia đình”.

Tuy nhiên, qua đành giá 10 năm thực hiện công tác hoà giải ở thị trấn Bình Định, cho thấy để công tác hoà giải thực sự phát huy có hiệu quả hơn nữa, các cơ quan chức năng cần cung cấp kịp thời các văn bản, tài liệu liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở cũng như định kỳ hàng năm tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở. Có chế độ đãi ngộ, tôn vinh kịp thời cho hoà giải viên khi thực hiện hoà giải thành./.

Nguyễn Huỳnh Huyện