Xã hội hoá hoạt động Trợ giúp pháp lý: Chung tay vì công bằng xã hội

09/07/2008
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một hoạt động có ý nghĩa xã hội cao cả, được hiểu là sự giúp đỡ về mặt pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, góp phần đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận pháp luật. Ngay từ khi mới ra đời, TGPL đã được coi là trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo các quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trách nhiệm TGPL cần được mở rộng đến nhiều thành phần trong xã hội. Đó là nhu cầu xã hội hoá (XHH) công tác TGPL.

Đa dạng thành phần thực hiện TGPL

          Hình thức tham gia của xã hội vào hoạt động TGPL ở mỗi nước là khác nhau nhưng đều có cùng một tính chất là tổ chức xã hội độc lập, phi lợi nhuận. Đó là các Trung tâm nguồn luật, Trung tâm TGPL cho sinh viên, các luật sư đăng ký tham gia TGPL tại văn phòng hoặc tại toà án, các vă phòng TGPL của các Hiệp hội luật sư…

Ở nước ta, thực hiện các qui định về việc khuyến khích tham gia TGPL, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề luật sư đã nỗ lực tham gia hoạt động này. Có thể kể đến các Trung tâm (Văn phòng) TGPL tại Trung ương của TƯ Hội Nông dân Việt Nam, TƯ Đoàn TNCSHCM, TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, TƯ Hội Luật gia Việt Nam. Số liệu của Cục TGPL (Bộ Tư pháp) cho biết, các Trung tâm này đã thực hiện tư vấn pháp luật (TVPL) được trên 8.000 vụ việc. Đến tháng 5/2008 (sau hơn 1 năm thực hiện Luật TGPL), cả nước có 30/60 Trung tâm TVPL của các tổ chức xã hội đăng ký tham gia TGPL. Tại địa phương, các Trung tâm đều có văn bản yêu cầu các tổ chức xã hội ở địa phương phối hợp tham gia hoạt động TGPL. Đến nay, cả nước có 60 Trung tâm TVPL và 27 chi nhánh đăng ký hoạt động tại 30 tỉnh, thành phố; 29 Văn phòng TVPL; 200 tổ TVPL và các câu lạc bộ pháp luật trên cả nước.

Hiện nay, nhiều tổ chức đã hỗ trợ các Trung tâm TGPL thông qua việc vận động, tạo điều kiện cán bộ, hội viên thuộc tổ chức mình tham gia TGPL với tư cách cộng tác viên của các Trung tâm. Bên cạnh đó, từ sau khi Luật Luật sư có hiệu lực, tính đến tháng 5/2008, đã có 640 luật sư trên cả nước đăng ký tham gia hoạt động TGPL và có nhiều triển vọng sẽ tăng do TGPL cũng là việc làm xuất phát từ nghĩa vụ xã hội và đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Ngoài ra, còn có những người đóng góp và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của hoạt động TGPL như các giảng viên chuyên ngành luật, các báo, đài…

Không thể không XHH

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc huy động xã hội thực hiện TGPL là quan điểm được công nhận là cần thiết, mặc dù ở mỗi quốc gia, việc XHH công tác TGPL là không giống nhau về cả phạm vi và mức độ. Bà Lê Thị Kim Thanh – Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam - khẳng định, đến nay khó có thể tìm thấy một nước nào mà công tác TGPL lại chỉ hoàn toàn do Nhà nước đảm nhiệm, mà đều có sự tham gia của các tổ chức xã hội hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp vào hoạt động TGPL. 

Tại Việt Nam, các tổ chức TGPL đã được hình thành và phát triển hơn 10 năm qua và đã thực sự trở thành một hoạt động tin cậy của người nghèo, đối tượng chính sách, người già, trẻ em không nơi nương tựa… Theo số liệu thống kê của Cục TGPL, đến nay có khoảng 60% người dân biết đến hoạt động TGPL. Tuy nhiên, cả hệ thống TGPL của Nhà nước lại mới chỉ có 450 cán bộ, trung bình mỗi trung tâm có 6-7 cán bộ, nhưng lại chỉ có 4-5 người trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn TGPL. Còn lại ở các tổ, điểm, câu lạc bộ TGPL thì thành phần tham gia chủ yếu là các công tác viên TGPL (cán bộ làm công tác pháp luật, giảng viên luật, luật gia, cán bộ hưu trí…).

Với sự phát triển của xã hội và trình độ dân trí thì nhu cầu được TGPL sẽ ngày càng tăng, còn Nhà nước không thể có đủ khả năng chu cấp hoàn toàn về kinh phí và biên chế. Do đó, theo ông Cù Thu Anh – Phó Cục trưởng Cục TGPL, việc huy động, khuyến khích các tổ chức xã hội đăng ký tham gia TGPL, các cá nhân có khả năng thực hiện TGPL (luật sư, luật gia…) đăng ký thành cộng tác viên của các tổ chức TGPL là rất cần thiết và cần liên tục phát huy.

Về nguyên tắc, TGPL là trách nhiệm của Nhà nước nhưng nếu để Nhà nước phải trực tiếp thực hiện, vừa tổ chức cho xã hội tham gia thì sẽ không thể đảm bảo tính khả thi lâu dài. Do đó, cần toàn xã hội tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tài chính, vật chất, phối hợp trong các hoạt động bồi dưỡng, tuyên truyền, cập nhật thông tin pháp luật cho người thực hiện TGPL…, góp phần để hoạt động TGPL phát huy tác dụng tích cực, đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân./.

Huy Long

Đến hết năm 2007, cả nước có 64 Trung tâm TGPL, 118 Chi nhánh, 881 Tổ TGPL thuộc các Trung tâm đặt các Phòng Tư pháp cấp huyện, 680 điểm TGPL, 701 câu lạc bộ TGPL ở cấp xã. Cục TGPL cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang, Thái Bình, Khánh Hoà thành kập 5 văn phòng TGPL cho phụ nữ tại các địa phương này.

(Nguồn: Cục TGPL - Bộ Tư pháp)

 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức không thành lập Trung tâm (Văn phòng) TGPL nhưng đã thành lập được 11 Trung tâm TVPL và 39 Văn phòng TVPL về lao động, thực hiện TVPL cho thành viên. Đến nay, các Trung tâm TVPL của Tổng Liên đoàn cũng chưa đăng ký tham gia TGPL.

Riêng đối với Hội Luật gia ở địa phương, có 10 tỉnh, thành Hội đã tích cực tham gia vào công tác TGPL với sự hỗ trợ của TƯ Hội, chứ chưa thực hiện việc TVPL có thu.