Quảng Nam: Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình

09/07/2008
Ngày 8/7/2008 Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND về triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Chỉ thị đã nêu rõ việc triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình; nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhân dân trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với và các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; mở chuyên trang, chuyên mục về phòng chống bạo lực gia đình; Phổ biến giáo dục bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình; về tác hại của bạo lực gia đình; truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hoá và các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ của các sở, ngành, địa phương và những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân bạo lực gia đình; chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân đưa ra truy tố, xét xử đối với các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác Sở Tư pháp tăng cường chỉ đạo, kiểm tra hoạt động hoà giải ở cơ sở;  tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác hoà giải ở địa phương, cơ sở, đặc biệt về hoà giải mâu thuẫn và hoà giải tranh chấp giữa các thành viên gia đình, góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình. Có cơ chế khám chữa bệnh, chăm sóc y tế và lồng ghép hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội./.

Trần Trung Kiên