Thực trạng tô chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

09/07/2008
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm ở cửa ngõ thủ đô, có nền kinh tế- xã hội phát triển, thu hút đầu tư của các tổ chức trong nước và ngoài nước, tốc độ công nghiệp hóa- hiện đại hóa chuyển dịch cơ cấu diễn ra mạnh mẽ so với các địa phương khác trên cả nước. Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao; nhận thức của người dân về các dịch vụ pháp lý đặc biệt là về hoạt động của luật sư được nâng lên đáng kể.

Đặc biệt nhận thức của các ngành, các cấp đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng về luật sư đã có những chuyển biến tích cực, thể chế pháp luật ngày càng hoàn thiện tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho hoạt động của luật sư. Luật Luật sư ra đời tạo môi trường pháp lý quan trọng góp phần nâng cao vị thế của Luật sư và nghề luật sư trong xã hội. Số lượng Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư ngày càng tăng, chất lượng hoạt động của Luật sư từng bước được nâng lên.

          Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tính đến nay có 08 tổ chức hành nghề luật sư dưới hình thức Văn phòng Luật sư; 01 chi nhánh Văn phòng; 02 Văn phòng giao dịch; 01 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Các tổ chức hành nghề luật sư này hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Hành chính, hình sự, lao động, thương mại, hôn nhân gia đình, kinh tế…

          08/08 tổ chức hành nghề Luật sư có dưới 10 luật sư làm việc theo chế độ hợp đồng, 03/08 tổ chức hành nghề có bộ phận nhân viên hành chính, văn thư. Chất lượng quản lý và điều hành công việc của tổ chức hành nghề Luật sư bước đầu đảm bảo trật tự, khoa học. Khi có yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, Trưởng văn phòng Luật sư phân công luật sư tham gia tranh tụng tại phiên toà, phân công luật sư ký hợp đồng tư vấn dài hạn với các doanh nghiệp theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tổ chức điều hành chưa tốt, việc sắp xếp bố trí công việc cho các luật sư hợp đồng còn chưa khoa học.

          Trong những năm qua, chất lượng hoạt động hành nghề của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, thu hút nhiều khách hàng trong nước và ngoài nước. Tổng số vụ việc mà các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện là 1.924 vụ việc. Chất lượng dịch vụ pháp lý do các luật sư cung cấp đạt 70%.

          Nhìn chung hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết các vụ án được nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo. Phạm vi hoạt động của Luật sư đã vươn tới các tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Lạng Sơn…

          Bằng sự nỗ lực của mình các Luật sư Vĩnh Phúc đã góp phần từng bước cải thiện nhận thức chung của xã hội về luật sư, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật trong nhân dân, bước đầu tạo cho người dân thói quen sử dụng pháp luật và sử dụng dịch vụ pháp lý đặc biệt là dịch vụ luật sư để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần tích cực vào tiến trình dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội.

          Tuy nhiên, năng lực hành nghề, chất lượng dịch vụ của một số luật sư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế- quốc tế. Tính chuyên nghiệp chưa cao; chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng hành nghề nói chung và kỹ năng tranh tụng, thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật quốc tế, thiếu kinh nghiệm hành nghề trong môi trường cạnh tranh quốc tế, yếu kém về trình độ ngoại ngữ và thiếu kiến thức hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực: đầu tư thương mại, dân sự, đặc biệt là thương mại quốc tế, do đó chất lượng tranh tụng của luật sư tại các phiên toà chưa cao (Đạt 70%).

          Trong thời gian tới để khắc phục được những tồn tại nêu trên, thiết nghĩ Tổ chức hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có bản lĩnh chính trị, kỹ năng hành nghề, kinh nghiệm thực tiễn và đạo đức nghề nghiệp. Các tổ chức hành nghề Luật sư cần phát triển, phân bố đồng đều trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Luật sư đảm bảo tính chuyên nghiệp. Xây dựng tổ chức Đoàn luật sư thực sự vững mạnh, nâng cao năng lực của tổ chức Đoàn, phát huy hơn nữa vai trò tự quản của Đoàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các luật sư.

Kim Yến