Tủ sách pháp luật: Đâu cần là có

09/07/2008
Cùng với việc tổng kết 10 năm Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở, các địa phương cũng đang đánh giá chừng đó thời gian thực hiện quyết định 1067 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng tủ sách pháp luật. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong lĩnh vực này thật đáng ghi nhận.

Tủ sách pháp luật: trăm hoa đua nở

Không phải đến nay 100% xã phường trên cả nước mới xây dựng được tủ sách pháp luật, mà công việc này đã được hoàn thành vào năm 2006. Đến nay theo thống kê, với trên 10 ngàn xã, phường toàn quốc đã có 12.511 tủ sách (một số xã, phường có nhiều tủ sách đặt tại thôn, làng, khu dân cư…). Với những nơi có điều kiện thì không phải bàn, nhưng đối với các xã vùng sâu, vùng xa - nơi khó khăn về kinh tế thì đó là một sự cố gắng rất lớn. Bởi đầu tư ban đầu cho một tủ sách pháp luật không hề đơn giản, trước hết là phải có tủ (với số tiền khoảng 1,5 – 2 triệu/tủ), và ít ra là vài chục đầu sách cơ bản. Ngân sách eo hẹp của một đơn vị hành chính cấp xã, thì khoản chi này cũng là cả một vấn đề phải tỉnh toán. Vậy nhưng, tất cả trên 10 ngàn xã, phường đã đầu tư xây dựng tủ sách chứng tỏ là một sự cố gắng rất lớn. Có tiền nhưng không phải ở đâu cũng thuận lợi. Có những câu chuyện kể rất đáng nhớ về chuyện tủ sách pháp luật. Chẳng là có những nơi, chính quyền xã đã trang bị tủ sách nhưng không có cách nào mang được về trụ sở, cán bộ UB và người dân phải luân phiên nhau dùng xe máy, xe thồ, thậm chí là phải dùng sức người, sức kéo của động vật để khiêng về. Nhiều nơi, ban đầu không có sách, cán bộ UB, rồi cả các cán bộ nghỉ hưu phải quyên góp sách, quyên góp tiền để người dân có cái đọc, để trông vào tủ cho đỡ ngọ ngần…

Rồi thì cái thời đầy khó khăn ban đầu ấy cũng qua đi, đến nay việc phát triển các hình thức tủ sách pháp luật đang như trăm hoa đua nở ở mọi nơi. Không dừng lại một tủ sách/một xã, phường, nhiều địa phương đã có đến 2-3 tủ sách. Cùng đó là các hình thức ngăn sách, túi sách pháp luật…Điển hình như ở Bắc Giang, hầu hết các cơ quan, đơn vị trường học đã xây dựng tủ sách, ngăn sách pháp luật. Bình Thuận tất cả các trường THCS, THPT, THCN, CĐSP đều có tủ sách pháp luật, tỉnh Kiên Giang 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tủ sách, 100% trường học có tủ hoặc ngăn sách pháp luật. Ngoài ra tủ sách pháp luật còn có trong chùa Khmer, trong các đồn biên phòng, các điểm bưu điện văn hoá xã. Nhiều địa bàn khó khăn như Bắc Kạn cũng đã có đến hàng ngàn ngăn sách ở thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư, Cao Bằng trên 70% đơn vị, cơ quan có tủ sách pháp luật…Không thể kể hết những con số khá ấn tượng mà các địa phương đã đạt được sau 10 năm xây dựng tủ sách. Với sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, ngành tư pháp, nhiều tủ sách, ngăn sách pháp luật đã lên tới hàng trăm cuốn với đủ chủng loại sách báo, rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, người dân.

Làm gì không để sách “chết”?

Có tủ, có sách nhưng vấn đề được quan tâm hàng đầu là hiệu quả khai thác của tủ sách đến đâu để tránh lãng phí? Vấn đề này chưa có một đánh giá nào cụ thể tuy nhiên một điều chắc chắn là ở mỗi địa phương hiệu quả của tủ sách là khác nhau, tuỳ theo nhu cầu và cách thức phục vụ. Có những nơi, mỗi ngày có hàng chục người dân đến mượn và đọc sách nhưng cũng có nơi sách để hàng năm mà gáy sách vẫn chưa được dọc, sách để trong tủ giống như để trang trí. Bất cập này thực ra cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều nơi cán bộ cơ sở vẫn coi tủ sách là để phục vụ cho riêng mình nên người dân rất khó mượn và tìm hiểu. Tủ sách pháp luật nhiều nơi đặt tại phòng chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã nên tâm lý người dân cũng ngần ngại. Một số nơi khác, thay vì mở tủ hàng ngày thì quy định chỉ cho dân mượn vào một ngày nhất định trong tuần hoặc trong tháng. Thậm chí có nơi, người dân được hỏi còn nói chưa bao giờ biết tại xã có tồn tại tủ sách pháp luật bởi đơn giản họ chẳng nghe ai nói bao giờ…

Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện về sách pháp luật bị để “chết”, đã có nhiều địa phương rất sáng tạo trong việc khai thác sách pháp luật như luân chuyển sách từ tủ sách đến các điểm bưu điện văn hoá, đến các thôn làng, khu dân cư, các đồn biên phòng. Sách pháp luật còn được đem đi di động tại các khu công nghiệp, các nhà văn hoá, các điểm sinh hoạt câu lạc bộ. Nhiều nơi cũng đã có nội quy khai thác sách rất bài bản, hợp lý nên sách pháp luật được khai thác triệt để. Cũng có ý kiến cho rằng, để khai thác sách hiệu quả việc cần lưu ý trước hết là phải trang bị các đầu sách hợp lý, theo hướng thiết thực với đời sống bà con. Tránh bỏ tiền ra để mua những đầu sách không ai quan tâm. Tất nhiên việc này nhiều khi không nằm trong tầm tay của xã vì sách là do tỉnh hoặc huyện trang bị.

Cùng với cách thức phục vụ, cần phải tăng cường quảng bá sự có mặt của tủ sách pháp luật đến từng người dân bởi một trong những mục tiêu cơ bản khi xây dựng tủ sách pháp luật là biến đây thành một “kênh” phổ biến pháp luật hiệu quả cho cán bộ, nhân dân.

Thu Hằng