Thực trạng tổ chức và hoạt động pháp chế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

09/07/2008
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn làm công tác pháp chế chuyên trách và thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước. Ngày 19/7/2006 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế năm 2006, nhằm củng cố và trang bị những kiến thức cần thiết, nâng cao năng lực tham mưu của đội ngũ làm công tác pháp chế.

Hiện nay, Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế để từ đó rút kinh nghiệm và kiện toàn, củng cố tổ chức pháp chế của tỉnh, đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

          Tính đến nay, đội ngũ làm công tác pháp chế của Vĩnh Phúc có 55 người, trong đó cán bộ có trình độ đại học luật chiếm 40%. 100% sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh và 14/18 doanh nghiệp Nhà nước đã có cán bộ làm công tác pháp chế.

          Trong những năm qua, công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu đã góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cán bộ pháp chế của một số ngành đã chủ động tham mưu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị đề xuất với UBND tỉnh ban hành văn bản QPPL phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước; tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản của ngành; tham gia xây dựng đóng góp ý kiến vào các văn bản của Trung ương và địa phương.

          Công tác pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước bước đầu phát huy được vai trò trong việc giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong mối quan hệ với các chủ thể khác.

          Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là: Chưa thành lập được các tổ chức pháp chế độc lập ở các cơ quan, đơn vị; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các sở, ngành còn mỏng, chủ yếu vẫn làm việc kiêm nhiệm và chưa được bố trí ổn định. Việc đào tạo, bồi dưỡng chưa được làm thường xuyên; năng lực cán bộ làm công tác pháp chế còn hạn chế; quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác pháp chế chưa chặt chẽ vì vậy hiệu quả công tác pháp chế chưa cao.

Kim Yến