Bộ, ngành Tư pháp tập trung thực hiện công tác góp ý các Nghị định, triển khai các Luật được thông qua

10/07/2024
Bộ, ngành Tư pháp tập trung thực hiện công tác góp ý các Nghị định, triển khai các Luật được thông qua
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 vào ngày 10/7. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Trần Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội và địa phương.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp đạt nhiều kết quả: Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá; 9 tháng đầu năm 2024 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), toàn Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 403.769 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023). Về tiền, đã thi hành xong hơn 73.015 tỷ đồng, tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 27,60%. 
 

Toàn cảnh Hội nghị.
 
Đặc biêt, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất, lộ trình xử lý VBQPPL để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân theo yêu cầu của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; triển khai giải pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. 63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. 
Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương và sự chủ động, tích cực, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc Bộ, ngành Tư pháp, công tác tư pháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng bộ, ngành, địa phương nói riêng.
Để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đối với Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, tổng hợp các nhiệm vụ đã hoàn thành và đang thực hiện; quán triệt, triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của cơ quan nhà nước cấp trên mới ban hành, trước tiên phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị quán triệt các luật, nghị quyết được ban hành.


Ban chủ trì Hội nghị.
 
Bên cạnh đó, cần làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL; chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thu hút, huy động sự quan tâm, hỗ trợ của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong công tác thi hành án, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu toàn hệ thống THADS tiếp tục cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra; chủ động trong xử lý công việc; tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cấp uỷ đảng với các bộ, ngành, địa phương khi giải quyết vụ việc cụ thể, phức tạp; nghiên cứu giải pháp, báo cáo lãnh đạo Bộ để xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng.
Về phía các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành chủ động bám sát chương trình công tác, lưu ý thời hạn thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu, theo dõi sát các văn bản lấy ý kiến của Chính phủ, thành viên Chính phủ và rà soát chỉnh lý báo cáo cho phù hợp.
Về phía cơ quan tư pháp địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu phải bám sát chương trình công tác, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và chỉ đạo chuyên môn của Bộ, ngành; đặc biệt cần tập trung hơn vào công tác góp ý các Nghị định liên quan đến Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến công tác số hoá giấy tờ trong lĩnh vực tư pháp; chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương bố trí thêm kinh phí và mua sắm cơ sở hạ tầng; thực hiện đánh giá tình trạng hoạt động và hiệu quả của tổ chức thanh tra.
Trung tâm Thông tin