Tiếp tục cập nhật, bổ sung đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên hỗ trợ pháp lý

09/07/2024
Tiếp tục cập nhật, bổ sung đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên hỗ trợ pháp lý
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại cuộc họp báo cáo Lãnh đạo Bộ của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về định hướng sửa đổi Nghị định 55/2019/NĐ-CP diễn ra ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định 55/2019/NĐ-CP). Các Thứ trưởng: Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tịnh cùng dự.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL cho biết, Cục PBGDPL đã thực hiện rà soát, tổng hợp báo cáo tổng kết thực tiễn thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP của các bộ, ngành, địa phương và nắm bắt thông tin, nhu cầu, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của doanh nghiệp thông qua một số hội thảo, tọa đàm về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó, Cục nhận thấy các quy định Nghị định 55/2019/NĐ-CP hiện còn một số bất cập, hạn chế khiến các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ này từ Nhà nước.
 

Toàn cảnh buổi làm việc.

Từ đó, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2019/NĐ-CP để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, đúng với yêu cầu của Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41-NQ/TW) và Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 66/NQ-CP).
 

Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL trình bày tóm tắt định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

Về định hướng thực hiện, Cục PBGDPL đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về cơ chế, chính sách đặc thù; quy định về quản lý mạng lưới tư vấn viên pháp luật; các quy định về định mức, trình tự, thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; một số vấn đề về kỹ thuật.
 

 

Một số đại biểu trao đổi tại buổi làm việc.

Cho ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu nhất trí với các đề xuất sửa đổi Nghị định 55/2019/NĐ-CP của Cục PBGDPL; đồng thời thống nhất lựa chọn hình thức văn bản là sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Cục PBGDPL bám sát nội dung, định hướng của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và nghiên cứu, cân nhắc kỹ một số nội dung như: ưu, nhược điểm các phương án quản lý mạng lưới tư vấn viên pháp luật (Giao toàn bộ thẩm quyền công nhận, cho thôi, quản lý đội ngũ tư vấn viên pháp luật về cho UBND cấp tỉnh hay giao cho Bộ Tư pháp); giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên pháp luật; tính khả thi của việc thiết lập và vận hành Tổng đài tiếp nhận và xử lý vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
 

Thứ trưởng Mai Lương Khôi.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhất trí lựa chọn hình thức văn bản là sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2019/NĐ-CP; đồng thời đề nghị Cục PBGDPL tiếp tục nghiên cứu thêm các phương án về quản lý mạng lưới tư vấn viên pháp luật, đặc biệt phải đánh giá được tác động của việc giao thẩm quyền công nhận, cho thôi, quản lý tư vấn viên pháp luật cho Bộ Tư pháp và việc quy định tư vấn viên pháp luật là cá nhân đang hành nghề luật sư.
 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục PBGDPL bổ sung và làm rõ đối tượng được ưu tiên hỗ trợ pháp lý theo Nghị quyết 66/NQ-CP. Đối với 3 phương án do Cục đề xuất để sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý mạng lưới tư vấn viên pháp luật, Thứ trưởng đề nghị Cục tiếp tục rà soát tính khả thi của phương án 2 "Giao toàn bộ thẩm quyền công nhận, cho thôi, quản lý đội ngũ tư vấn viên pháp luật về cho UBND cấp tỉnh" và điều chỉnh phương án này theo hướng tiêu chí lựa chọn cho Bộ Tư pháp hướng dẫn và giao việc tổ chức thực hiện mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho địa phương thực hiện; đồng thời nghiên cứu, tham khảo thêm mô hình trợ giúp pháp lý để xây dựng mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Cục PBGDPL lưu ý 2 nhóm nội dung. Một là, tiếp tục cập nhật, bổ sung đối tượng được ưu tiên hỗ trợ pháp lý theo Nghị quyết 66/NQ-CP; làm rõ chế độ, định mức để hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cắt giảm thủ tục hành chính. Hai là, tập trung làm rõ, đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và rà soát các quy định có liên quan nếu lựa chọn phương án 2 "Giao toàn bộ thẩm quyền công nhận, cho thôi, quản lý đội ngũ tư vấn viên pháp luật về cho UBND cấp tỉnh".
Anh Thư - Trung tâm Thông tin