Tọa đàm về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP

23/03/2011
Tọa đàm về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP
Sáng nay (23/3), Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi Tọa đàm về Nghị định thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (Nghị định số 02). Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã đến dự và chủ trì Tọa đàm.

Tham dự buổi Tọa đàm có các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự thảo Nghị định, đại diện Sở Tư pháp, tổ chức hành nghề công chứng một số tỉnh phía Bắc và một số đơn vị thuộc Bộ.

Sau hơn 3 năm thi hành Luật Công chứng và Nghị định số 02, những kết quả đạt được bước đầu rất đáng khích lệ, khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là hết sức đúng đắn, tạo điều kiện cho việc phát triển tổ chức và hoạt động của công chứng Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa, góp phần quan trọng cải cách thủ tục hành chính phù hợp với chuẩn mực, thông lệ của khu vực và thế giới, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai Luật và Nghị định đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn, trong đó có những vấn đề chưa rõ và những vấn đề mới phát sinh về tổ chức, hoạt động chuyên môn chưa được hướng dẫn cụ thể.

 

 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính khẳng định: Việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02 là cần thiết và cấp bách để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, đồng bộ cho hoạt động công chứng. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung vào thảo luận một số nội dung chính: tiêu chuẩn đội ngũ Công chứng viên; mô hình các tổ chức hành nghề công chứng; quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng, trong đó có việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng và việc chia sẻ những thông tin này...

 

 

Minh Khôi

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02 tập trung điều chỉnh các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng, cụ thể là quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đoạn 3, khoản 2, Điều 24; đoạn 2, khoản 2, Điều 26; điểm c, khoản 2, Điều 11; các điểm a, d, đ khoản 5, Điều 11; khoản 2, Điều 18 và Điều 56 của Luật Công chứng về chế độ tài chính, con dấu của Phòng Công chứng, con dấu Văn phòng Công chứng; quản lý việc tổ chức, đào tạo nghề công chứng; việc quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương; phí công chứng; một số quy định về công chứng viên và bổ nhiệm công chứng viên; một số vấn đề khác liên quan đến hoạt động công chứng.