Giám định Tư pháp: Tập trung đầu mối quản lý

14/03/2011
Giám định Tư pháp: Tập trung đầu mối quản lý
“Luật Giám định tư pháp (GĐTP) cần xác định là một đạo luật nền tảng, quy định những nguyên tắc cơ bản nhất về tổ chức, hoạt động và các cơ chế bảo đảm cho hoạt động GĐTP được thực hiện một cách khách quan, minh bạch, hiệu quả; giá trị của kết luận GĐTP thực sự là nguồn chứng cứ quan trọng trong việc giải quyết các vụ án...”

Đó là một trong nhiều nội dung được “bàn” sôi nổi tại Hội thảo Luật GĐTP do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM ngày 12/3. Hội thảo thu hút đông đảo đại diện các cơ quan tư pháp Trung ương, địa phương và các tổ chức giám định khu vực phía Nam đến dự và góp ý. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã chủ trì hội thảo.

“Áo” đã chật

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính - Phó trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật GĐTP, GĐTP giúp cơ quan tố tụng giải quyết các vụ án. Tuy nhiên những năm gần đây, sự ách tắc của GĐTP được đề cập nhiều như chất lượng giám định chưa thực sự góp phần đắc lực vào thực tiễn xã hội, nhiều vụ việc qua nhiều lần giám định không kết luận được. Thậm chí có trường hợp tổ chức giám định kéo dài việc giám định ra nhiều năm; đội ngũ Giám định viên có nhiều tâm tư, chế độ ngày càng lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu. Đó là chưa nói mối quan hệ, vai trò của các cơ quan tố tụng đối với hoạt động GĐTP chưa rõ... dẫn đến câu chuyện bị nghẽn trong hoạt động tố tụng.... Đầu năm 2010, Bộ Tư pháp đã tham mưu phối hợp với các cơ quan tố tụng sọan thảo Dự án Luật GĐTP nhằm nâng cao hoạt động GĐTP. “Đây là một đề án lớn, đưa ra những biện pháp để củng cố nâng cao hoạt động GĐTP...” - Thứ trưởng Chính cho biết.

Góp ý vào Dự thảo Luật GĐTP - đại diện Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an phía Nam cho rằng: Nếu không có kết luận giám định cụ thể về một vụ việc thì không thể ra kết luận điều tra được. Kết luận giám định là quan trọng, nhưng thực tế vẫn có sự thay đổi, sai lệch kết quả giám định, thậm chí các tổ chức cho ra kết quả không giống nhau. Do vậy, nên chăng thành lập Hội đồng Giám định tư pháp Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Chương - Trưởng phòng Giám định Pháp y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị: Các tổ chức GĐTP cần quy về Bộ Tư pháp quản lý trực tiếp. Làm được như thế vừa tận dụng được trang thiết bị, phương tiện, vừa hỗ trợ hiệu quả trong việc điều tra, truy tố và xét xử.

Còn theo Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM thì đời sống kinh tế - xã hội đã thay đổi, “chiếc áo pháp lệnh” không còn phù hợp, cần thay bằng “chiếc áo luật”. Luật sư cũng cho rằng, GĐTP phải là giám định thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, còn người tham gia tố tụng vẫn có quyền yêu cầu giám định, nhưng đó không phải là GĐTP.

Quy về một mối

Ông Lê Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai bày tỏ đồng tình thống nhất giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp. Song, cần có sự hợp tác tích cực của các Bộ, ngành liên quan. Đại tá Phạm Ngọc Hiền - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an nhấn mạnh: Dứt khoát cần quy định Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, không thể để từng Bộ, ngành quản lý. Liên quan đến việc công nhận bổ nhiệm Giám định viên, ông Hiền cho rằng thời gian 5 năm là hợp lý, bởi công tác giám định không những đòi hỏi trình độ chuyên môn mà rất cần kinh nghiệm, bản lĩnh, kỹ năng.... Ông Hiền ủng hộ quan điểm xã hội hóa GĐTP để có những tổ chức “đối trọng” nhau, mà mục đích cuối cùng là không để làm oan người vô tội, không lọt tội phạm.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính khẳng định: Ban soạn thảo Dự luật có đại diện của nhiều Bộ, ngành liên quan làm việc. Theo đó, các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc.

Phong Trần