Chiều qua (9/3), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì cuộc họp với đại diện Văn phòng Chính phủ, Dự án Star, VNCI và một số đơn vị thuộc Bộ để cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến Dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL), trong đó có nội dung về giá trị của Bộ pháp điển.
Theo Điều 12 dự thảo Pháp lệnh, Bộ pháp điển được sử dụng trong áp dụng và thực hiện pháp luật. Trường hợp có sự sai sót trong Bộ pháp điển thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện ra có quyền kiến nghị bằng văn bản đến Bộ Tư pháp (dự kiến là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác pháp điển) để Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan thực hiện pháp điển xem xét, sửa chữa sai sót đó.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Thái Sơn đồng ý quan điểm của tổ biên tập là Bộ pháp điển không thể có ngay giá trị pháp lý. Tuy nhiên, theo ông Sơn, nếu chỉ có giá trị sử dụng như dự thảo Pháp lệnh thì rất lãng phí thời gian, công sức xây dựng Bộ pháp điển. “Cần có lộ trình để Bộ pháp điển dần dần thay thế các văn bản QPPL, đó cũng chính là tạo động lực để chúng ta làm Bộ pháp điển và thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình”, ông Sơn kiến nghị.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Lê Thành Long cho rằng, đề xuất trên xét về lâu dài là rất cần thiết. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì chưa phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành về hình thức văn bản, thủ tục, thẩm quyền ban hành văn bản QPPL. “Vì Bộ pháp điển chưa được Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản QPPL quy định là một trong những hình thức văn bản QPPL”, ông Long lý giải.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc xây dựng Pháp lệnh là thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Ban hành văn bản QPPL nên không thể quy định khác với Luật. Cụ thể là, Điều 93 của Luật chỉ giao “QPPL phải được rà soát, tập hợp, sắp xếp thành Bộ pháp điển theo từng chủ đề”, do đó dự thảo Pháp lệnh không thể quy định rằng Bộ pháp điển thay thế tất cả các văn bản gốc là kết luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
Thục Quyên