Kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp
Trong buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Tư pháp về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Huỳnh Đức Hoà - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 13,3%, sang năm 2011 này, Lâm Đồng phấn đấu tăng trưởng GDP 15-16%, GDP bình quân đầu người đạt 23-23,5 triệu đồng/người/năm.
Liên quan đến công tác bổ trợ tư pháp, ông Hòa cho biết, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020” và Đề án kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp, các lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Tỉnh cũng đã ban hành Quyết định về chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản từ UBND xã, phường, thị trấn sang các tổ chức hành nghề công chứng. Điều đáng mừng là ông Hòa cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo kiện toàn cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến huyện và xã. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện tốt công tác phổ biến tuyên truyền Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử Đại biểu HĐND các cấp sắp tới, nhằm phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2011-2016” - ông Hòa cho biết thêm.
Báo cáo về công tác Tư pháp, ông Vũ Văn Sê, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh cho biết: Công tác kiểm tra và tự kiểm tra, rà soát hệ thống hóa các văn bản được Sở tiến hành thường xuyên hoặc theo chuyên đề, lĩnh vực để phục vụ công tác quản lý kinh tế - xã hội ở địa phương. Cạnh đó, Sở đã phối hợp với các Sở, ngành xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh hàng năm. Đặc biệt, năm 2010, Sở đã soạn thảo và thẩm định 100% các văn bản quy phạm pháp luật được UBND tỉnh phân công. Sở cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí, theo đó 100% xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã có Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; đã thực hiện trợ giúp pháp lý gần 1700 vụ việc cho 1.689 đối tượng nghèo, chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số.
Khắc phục ngay biểu hiện “chững lại”
Về công tác thi hành án dân sự, ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: Riêng kết quả năm 2010, tổng số việc phải thi hành gồm hơn 11 nghìn việc, tăng gần 1,5 nghìn việc so với năm 2009; đã thi hành xong gần 7,6 nghìn việc (số việc có điều kiện thi hành hơn 8,6 nghìn); tổng số tiền phải thu hơn 505 tỷ đồng, tăng gần 81,5 tỷ đồng so với năm 2009; Số tiền đã thi hành xong là gần 191 tỷ đồng (tính cả trả đơn), đạt 81% số tiền có điều kiện thu, tăng gần 18 tỷ đồng so với năm trước đó. Về số lượng án tồn đọng, ông Hiển cho biết thêm: “Tổng số án phải thi hành là hớn 11 nghìn việc (cũ chuyển sang hơn 3,7 nghìn việc), đã giải quyết xong 7.749 việc, đạt tỷ lệ 10,45%. Bước sang năm 2011, Cục đề ra mục tiêu phấn đấu thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu về việc và tiền, làm giảm tối thiểu từ 10% về việc và 5% về tiền trở lên”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, Sở Tư pháp Lâm Đồng là địa phương luôn có phong trào thuộc tốp đầu của cả nước, biết bám sát trọng tâm của ngành nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; chính trị - an ninh quốc phòng được ổn định. Nhưng Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, Lâm Đồng giàu tiềm năng thu hút đầu tư, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh lại đi xuống trong 2 năm liền là tín hiệu không thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội... Riêng về công tác thi hành án dân sự, sau khi kiện toàn về tổ chức, Lâm Đồng đã có chuyển biến rõ, ba năm liền vượt chỉ tiêu của Bộ giao cả về việc và tiền. Lâm Đồng còn là địa phương làm khá tốt công tác giảm lượng án tồn đọng (án tồn chỉ chiếm 20%). Tuy nhiên, công tác tư pháp của Lâm Đồng đang có dấu hiệu chững lại, phải khắc phục ngay. “Chúng ta vừa được Quốc hội và Chính phủ bổ sung nhiều nhiệm vụ mới, như Cục sẽ thi hành cả những bản án không liên quan đến tài sản - đó là những bản án hành chính... Điều đó đòi hỏi sự cố gắng của mỗi cán bộ tư pháp. Vì vậy, trong quá trình triển khai công tác nếu có vướng mắc gì thì Sở và Cục cần nêu ngay. Ngoài ra, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án phải tranh thủ được sự chỉ đạo, lãnh đạo của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan tư pháp... trên địa bàn tỉnh” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp đối với công tác tư pháp của địa phương, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng trong thời gian tới.
Phong Trần
UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, quốc tịch, lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp và các lĩnh vực khác. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tư pháp tham mưu triển khai việc quản lý cơ sở dữ liệu tư pháp; Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam trên địa bàn tỉnh. |