Đoàn công tác Uỷ ban Tư pháp Quốc hội thăm và làm việc với Học viện Tư pháp

23/02/2011
Đoàn công tác Uỷ ban Tư pháp Quốc hội thăm và làm việc với Học viện Tư pháp
Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, để phục vụ phiên họp điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp theo Kế hoạch số 4246/KH-UBTP12 ngày 18/9/2010 của Uỷ ban Tư pháp, ngày 22/02/2011, đoàn công tác của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội do bà Lê Thị Nga - Phó chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Học viện Tư pháp.

Cùng tham gia đoàn công tác có ông Dương Ngọc Ngưu - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội; ông Nguyễn Đình Quyền, ông Đặng Thuần Phong - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp Quốc hội; ông Nguyễn Tấn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp Quốc hội cùng một số cán bộ của Văn phòng Quốc hội. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền và đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp cùng Ban Giám đốc, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Tư pháp trân trọng đón tiếp đoàn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp có vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc cải cách tư pháp. Qua hơn 12 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tư pháp đã khẳng định được vị thế của mình trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp với kết quả hơn 24.000 học viên tốt nghiệp các khoá đào tạo nghiệp vụ chức danh tư pháp, trong đó có hơn 7500 học viên được cấp chứng chỉ tốt nghiệp các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, thư ký toà án, nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ thi hành án.

Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Phan Chí Hiếu - Giám đốc Học viện đã nghiêm túc đánh giá thực trạng đào tạo thẩm phán, thư ký toà án, kiểm sát viên, chấp hành viên tại Học viện. Các thành viên đoàn công tác đặt nhiều câu hỏi nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp. Tất cả các câu hỏi đều được đồng chí Giám đốc và các cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện trả lời, giải thích rõ ràng. Đây là dịp để Học viện Tư pháp báo cáo với Uỷ ban Tư pháp Quốc hội những thành tích đã đạt được trong những năm qua đồng thời cũng là cơ hội để nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, gây khó khăn cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp hiện nay, tạo nền tảng xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp, Giám đốc Học viện đã kiến nghị với đoàn công tác của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội một số đề xuất: Đề nghị Uỷ ban kiến nghị với Quốc hội chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cử lại cán bộ theo học khoá đào tạo Kiểm sát viên; Toà án nhân dân tối cao tiếp tục cử cán bộ theo học khoá đào tạo Thẩm phán tại Học viện Tư pháp, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, thống nhất các định hướng và giải pháp của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong tất cả các khâu trong hoạt động đào tạo; kiến nghị với Quốc hội cho chủ trương, định hướng về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác đào tạo các chức danh tư pháp.

Đồng ý với những kiến nghị của Giám đốc Học viện Tư pháp, thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản của Học viện, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cho rằng công tác đào tạo chức danh tư pháp là trách nhiệm chung của Nhà nước, của Chính phủ và của các cơ quan chức năng. Mặc dù điều đó đã được thể hiện rõ trong các Nghị quyết số 08-NQ/TW Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nhưng khi thực hiện lại không thống nhất. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền đề nghị Uỷ ban Tư pháp kiến nghị với Quốc hội có chủ trương, chỉ đạo thống nhất để Bộ Tư pháp có định hướng phát triển, xây dựng Học viện thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Thị Nga khẳng định, ngay từ khi Học viện Tư pháp được thành lập, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã rất quan tâm đến công tác đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện. Có thể nhận thấy Học viện đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp góp phần không nhỏ vào cuộc cải cách tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay công tác đào tạo các chức danh tư pháp đang phân tán, chưa thực sự thu được hiệu quả cao. Thay mặt đoàn công tác, bà Lê Thị Nga chia sẻ những khó khăn của Học viện về thể chế pháp lý. Đoàn công tác ghi nhận những kiến nghị của Học viện để đề nghị Uỷ ban Tư pháp Quốc hội xem xét tổng thể trong tình hình hiện nay và có quyết định đúng đắn. Bà Nga đồng ý với quan điểm cần phải thống nhất và chấp hành nghiêm túc các Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị. Bà đề nghị, Học viện Tư pháp trong khi chờ kết luận cuối cùng cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh hiện hành; nghiên cứu hướng đào tạo theo yêu cầu của người sử dụng lao động, chương trình đào tạo phải linh hoạt theo yêu cầu của xã hội; cập nhật kiến thức về kinh tế, xã hội cho học viên để tránh áp dụng máy móc; chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho học viên; quan tâm đến công tác bồi dưỡng; xây dựng hướng phát triển bền vững cho Học viện Tư pháp. Trên hết, bà mong rằng Học viện Tư pháp sẽ bằng sự nỗ lực của mình để hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục đạt được những thành tích cao - đó chính là sự thuyết phục có hiệu quả nhất đối với các cơ quan có thẩm quyền quyết định nhiệm vụ của Học viện Tư pháp.

Thay mặt lãnh đạo Học viện Tư pháp, Giám đốc Học viện Tư pháp tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến phát biểu, các nhận xét của đoàn công tác về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp. Học viện Tư pháp sẽ tiếp tục áp dụng mọi giải pháp tích cực để xây dựng Học viện phát triển ngày càng vững mạnh.

Thanh Hương