Hội nghị tập huấn nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước khu vực các tỉnh miền núi phía bắc

26/02/2011
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước khu vực các tỉnh miền núi phía bắc
Ngày 23/02/2011, tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước khu vực các tỉnh miền núi phía bắc. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị

Về phía Bộ Tư pháp còn có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và một số chuyên viên của Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế; về phía Dự án Jica có ông Nishioka Takeshi, cố vấn trưởng và một số chuyên gia pháp lý của Nhật; các đại biểu đại diện cho Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự của 11 tỉnh miền núi phía bắc (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ,  Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được các chuyên gia pháp lý Nhật Bản giới thiệu pháp luật bồi thường nhà nước của Nhật Bản đồng thời được nghe các chuyên gia của Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường; phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại; quản lý Nhà nước về công tác bồi thường; nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 19/TTLT- BTP-BTC-TTCP ngày 26.11.2010 hướng dẫn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính.

Trong quá trình thảo luận ông Lê Đình Thu, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã phản ánh, mặc dù Luật cũng như Nghị định số 16/2010/NĐ-CP đã quy định nhiều nhiệm vụ mới, phức tạp cho ngành tư pháp với nhiều nội dung quản lý nhà nước được nêu rõ tại Điều 21 của Nghị định, đặc biệt có nhiều nhiệm vụ khó như hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra… Tuy nhiên, để bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường được thực hiện thống nhất, có hiệu quả thì cần phải có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ quản lý nhà nước về bồi thường.

Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã phản ánh cần thiết phải khẩn trương có phương án để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền bố trí thêm biên chế cho địa phương để giúp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bồi thường. Tránh tình trạng giao thêm nhiệm vụ mới, phức tạp, nhạy cảm mà lại không bảo đảm đủ điều kiện thực hiện. Thông qua Hội nghị, các đại biểu đã tiếp thu tinh thần của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, nâng cao nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước. Trên cơ sở Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, các cơ quan hữu quan sẽ chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Luật, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu được đưa ra khi xây dựng Luật.

Về phía Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thanh Tịnh cũng đã cung cấp thêm một số thông tin về quá trình triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan đến kiến nghị, đề xuất của một số đại biểu. Cụ thể là, hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án về việc thành lập đơn vị quản lý bồi thường nhà nước, theo đó, sẽ góp phần giải quyết những bất cập, vướng mắc hiện nay liên quan đến vấn đề bảo đảm về tổ chức, biên chế cũng như về mặt nghiệp vụ trong quá trình triển khai thi hành nhiệm vụ quản lý nhà nước về bồi thường nói riêng, triển khai thi hành Luật nói chung.

TP