Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Cần kịp thời gỡ vướng cho địa phương

24/02/2011
Ngày 23/02, tại Yên Bái, phối hợp với Dự án JICA – Nhật Bản, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn khu vực về nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho 12 tỉnh thành miền núi phía Bắc.

Tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định, không chỉ bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án cho các cán bộ, công chức, những người trực tiếp thực hiện công tác giải quyết bồi thường tại địa phương, mà đồng thời thông qua Hội nghị nhằm tăng cường hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, đối với người dân, việc nắm rõ các quy định của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành là yếu tố quan trọng để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có thể thực hiện quyền của mình đã được pháp luật bảo hộ. Do đó, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cần quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến Luật. “Trong trường hợp có vướng mắc về việc hiểu và áp dụng pháp luật, người dân có thể thông qua các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường, bao gồm Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế ngành… để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời”, ông Tịnh cho biết.

Để cụ thể hoá thêm một bước những quy định của Luật TNBTNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTNN. Thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu soạn thảo nhiều Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết bồi thường trong các lĩnh vực khác nhau. Đến nay, cùng Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 19/TTLT/BTP-BTC-TTCP hướng dẫn thực hiện TNBTNN trong hoạt động quản lý hành chính.

Sớm gỡ lúng túng cho địa phương

Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn của TƯ về tổ chức, bộ máy, biên chế nên hầu hết các địa phương gặp phải khó khăn, lúng túng, gây ra bất cập trong việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương về triển khai thi hành Luật. Mặt khác, trong việc tổ chức triển khai còn thiếu sự thống nhất, đồng bộ về tổ chức, bộ máy. Ví dụ, có Sở Tư pháp giao công tác này cho Phòng Xây dựng, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật thực hiện, có địa phương lại giao cho Thanh tra Sở hoặc Phòng Bổ trợ tư pháp thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang Đoàn Thị Tân Hương, hướng dẫn của TƯ về kinh phí để bồi thường vụ việc tuy đã có nhưng còn chung chung, trong khi đó ngân sách dành cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường lại chưa được hướng dẫn. “Giao nhiệm vụ mới mà chưa bổ sung kinh phí là rất khó cho địa phương”, bà Hương thẳng thắn.

Còn Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái nêu lên thực trạng, công việc Sở Tư pháp ngày một nhiều lên song con người không tăng vì biên chế là do Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh. Hơn nữa, bộ máy tổ chức các cơ quan tư pháp đang được kiện toàn theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác Tư pháp của UBND cấp xã nên địa phương không thể rút người từ phòng này sang phòng kia được.

Sau 1 năm triển khai thi hành Luật TNBTNN, qua theo dõi và tổng hợp, Bộ Tư pháp đã nắm bắt các khó khăn của công tác này, trong đó có khó khăn về tổ chức và biên chế như trên. Bởi thế, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án thành lập đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp và kiện toàn tổ chức của Sở Tư pháp để giúp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Về cơ bản, dự kiến ở mỗi Sở Tư pháp bổ sung 2 biên chế chuyên trách để tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường và tổ chức thi hành Luật trên thực tế. Hy vọng khi Đề án được phê duyệt sẽ tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, bảo đảm về biên chế cho các Sở Tư pháp - một trong những điều kiện thiết yếu để giúp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Cẩm Vân