Hết thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự: Tòa án “mất” quyền từ chối giải quyết?

07/03/2011
Tại cuộc họp mới đây về một số định hướng sửa đổi, cơ bản Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (PLDSKT) Bộ Tư pháp cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về loại thời hiệu và xác định thời hiệu, trong đó thừa nhận nguyên tắc Tòa án (TA) không được từ chối thụ lý đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết việc dân sự của các chủ thể luật tư.

Theo quy định của BLDS năm 2005, thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự. Từ đó phân thành 4 loại thời hiệu, bao gồm thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Riêng về thời hiệu khởi kiện thì được quan niệmthời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu TA giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) cũng quy định TA có quyền từ chối thụ lý đơn nếu thấy đã hết thời hiệu khởi kiện, trong trường hợp TA đã thụ lý đơn thấy có căn cứ đã hết thời hiệu khởi kiện thì ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc.

Trưởng phòng Pháp luật Dân sự (Vụ PLDSKT) Nguyễn Hồng Hải nhận định, việc quan niệm thời hiệu khởi kiện như trên đã bộc lộ những vướng mắc về lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải có sự nghiên cứu cơ bản để sửa đổi, hoàn thiện. Ông Hải phân tích, việc quy định thời hiệu yêu cầu còn mang nặng mục đích tạo căn cứ pháp lý cho TA từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi có yêu cầu của chủ thể dân sự, biến thời hiệu yêu cầu thành thời hiệu thụ lý trong thực tiễn tố tụng ở Việt Nam. Đây là một mâu thuẫn lớn đối với thể chế pháp lý trong nền kinh tế thị trường, xã hội dân sự và thông lệ quốc tế - Đó là TA không lấy lý do thời hiệu đã hết để từ chối thụ lý đơn khi có yêu cầu mà chỉ có quyền căn cứ vào quy định về thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ để công nhận hay bác yêu cầu của chủ thể. “BLDS cần thừa nhận nguyên tắc TA không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do hết thời hiệu yêu cầu để đảm bảo lẽ công bằng trong công nhận và bảo vệ quyền cho chủ thể luật tư. Ngoài ra, BLDS chỉ nên quy định thời hiệu bao gồm thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ với hậu quả pháp lý được xác định”, ông Hải đề xuất.

Xuất phát từ thực tế, ông Nguyễn Văn Cường (Viện Khoa học xét xử, TANDTC) cho biết, có nhiều trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của một người bị người khác xâm phạm nhưng chủ sở hữu, chủ sử dụng không biết mà sau một thời gian họ mới biết, hoặc khi các bên xác lập giao dịch dân sự, quyền lợi của họ đã bị xâm phạm ngay từ khi xác lập giao dịch như mua, sử dụng thực phẩm giả, thuốc giả… sau một thời gian dài họ bị ảnh hưởng sức khỏe bởi kết luận của cơ quan chuyên môn do sử dụng nguồn thuốc, thực phẩm trên và khởi kiện thì hết thời hiệu khởi kiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ sở hữu, người sử dụng. Do đó, ông Cường kiến nghị sửa đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự phải được xác định theo thời điểm các bên biết hoặc phải biết quyền lợi của họ bị xâm phạm. “Việc sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật vì đây cũng là vấn đề đang được xem xét sửa đổi trong BLTTDS”, ông Cường nói.

Cẩm Vân