Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại Ninh Bình

14/03/2011
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại Ninh Bình
Ngày 12/3, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND và đại diện các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tài chính, Nội vụ tỉnh Ninh Bình.

Tư pháp đã vào cuộc với việc khó của địa phương

Đánh giá về vai trò của công tác tư pháp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: “Lãnh đạo Thành phố rất coi trọng vai trò “gác cổng” của công tác tư pháp. Thành phố không chỉ gửi những văn bản quy phạm pháp luật sang Sở Tư pháp thẩm định mà cả những quyết định hành chính liên quan đến chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… cũng phải có ý kiến của Sở Tư pháp trước khi ban hành”.

Chính vì vậy, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Tỉnh, trong những năm gần đây, kinh tế của Ninh Bình phát triển vượt bậc, tốc độ đô thị hóa diễn ra vô cùng nhanh chóng, trong khi công tác giải phóng mặt bằng là một lĩnh vực phức tạp nhưng các quyết định của Thành phố khi ban hành đều cơ bản nhận được sự đồng tình của nhân dân, không xảy ra điểm nóng.

Đặc biệt, không chỉ bố trí cho mỗi xã, phường 2 cán bộ tư pháp với phương tiện làm việc đầy đủ, Thành phố còn có chủ trương thu hút cán bộ có trình độ đại học về làm công tác tư pháp tại các phường, xã nên 4 năm trở lại đây, Tư pháp Ninh Bình đã có những tiến bộ rõ nét.

   

Ông Đinh Văn Điến, Bí thư thành ủy Ninh Bình thì cho biết: “Ninh Bình đang phấn đấu xây dựng và phát triển Thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2015 và hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại, bởi vậy, việc tuyên truyền, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tỉnh Ninh Bình đã có quyết định triển khai “Ngày Pháp luật” và luôn tạo điều kiện để Tư pháp làm tốt nhiệm vụ của mình”.

Đồng tình với những ý kiến này, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng nhận xét: “Trong các tỉnh khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, có thể khẳng định Ninh Bình là tỉnh có tốc độ kinh tế phát triển năng động. Trong sự phát triển đó, Tư pháp đã vào cuộc với những việc khó của địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tỉnh và lãnh đạo Thành phố Ninh Bình cũng băn khoăn về sự thiếu nhất quán trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực đền bù, giải phóng mặt bằng; biên chế cho cán bộ pháp chế và chế độ đãi ngộ đối với những người làm công tác tư pháp…. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Bộ Tư pháp đã và đang nỗ lực kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan nhằm sớm gỡ những khó khăn này.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Ninh Bình quan tâm hơn tới việc quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh; công tác pháp chế sở, ngành; lĩnh vực bổ trợ tư pháp; quá trình triển khai thực hiện các Luật: Quốc tịch, Lý lịch tư pháp, Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước, Nuôi con nuôi…. Trước vướng mắc thực tế của địa phương trong công tác chuyển giao các hợp đồng giao dịch về bất động sản sang các Phòng công chứng, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm ban hành một Quyết định thay vì Công văn như hiện nay để thống nhất cách hiểu giữa các đơn vị liên quan.

Báo động về án tồn

Báo cáo với Bộ trưởng Hà Hùng Cường về công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Chi, Cục trưởng Cục THADS cho biết: năm 2010, THADS Ninh Bình đã thi hành xong 1.760 việc trên tổng số 2.039 việc có điều kiện thi hành, thu về 38 tỷ đồng, đạt 86,3% về việc, 75,4% về tiền, vượt chỉ tiêu Bộ giao. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, án tồn đọng chưa thi hành chuyển sang năm 2011 còn 1.814 việc với số tiền trên 27 tỷ đồng. Chỉ riêng Thành phố Ninh Bình, lượng án tồn đọng chuyển sang năm 2011 đã là 616 việc với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.

   

Như vậy, lượng án tồn chưa thi hành được chuyển sang năm sau của THADS Ninh Bình ở con số trên 50%, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ chung của cả nước (khoảng 33% - PV) và ở mức “đáng báo động” so với các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình….

Mặc dù đánh giá cao sự nỗ lực của THADS Ninh Bình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng kiên quyết phải làm rõ nguyên nhân của lượng án tồn, bị xếp vào dạng không có điều kiện thi hành quá cao trên địa bàn tỉnh. “Đề nghị HĐND tỉnh có giám sát để làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan từ phía anh em làm công tác thi hành án” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh và đại diện các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tài chính, Nội vụ tỉnh Ninh Bình đều khẳng định sẽ quan tâm hơn tới vấn đề này và sớm vào cuộc cùng ngành THADS.

Hồng Thúy

Ông Nguyễn Hùng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình cho biết: Khi tái lập tỉnh vào năm 1992, Sở Tư pháp Ninh Bình chỉ có 10 cán bộ, công chức thì đến nay toàn ngành Tư pháp Ninh Bình đã có 266 cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài Sở Tư pháp có 11 tổ chức, đơn vị, 8/8 Phòng Tư pháp ở cấp huyện đều được bố trí từ 2 - 5 biên chế. Ở cấp xã, có 146 cán bộ được bố trí vào chức danh công chức tư pháp - hộ tịch, trong đó có 33 xã, phường, thị trấn đã bố trí 2 cán bộ làm công tác tư pháp.