Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm công tác xây dựng VBQPPL

08/10/2021
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm công tác xây dựng VBQPPL
Sáng ngày 08/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã họp nghe báo cáo việc sửa đổi Thông tư số 338/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (Thông tư số 338) .
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, Thông tư số 338 được ban hành với nhiều quy định mới về định mức chi, nội dung chi, tăng mức phân bổ kinh phí đã giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước, bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật của bộ, ngành, địa phương.
Việc thực hiện Thông tư số 338 thời gian qua đã tạo sự chủ động trong các hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL; thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học vào công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra VBQPPL; động viên, khuyến khích, tạo động lực cho người làm công tác xây dựng pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự phối hợp đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL của bộ, ngành, địa phương, qua đó góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta.
 

 
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện cho thấy Thông tư số 338 đã có những điểm không còn phù hợp với thực tiễn, cụ thể là: mức chi thấp so với chi phí thực tế để xây dựng chính sách, dự án, dự thảo VBQPPL; nội dung chi chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL;  chưa tách bạch giữa kinh phí thẩm định, thẩm tra với kinh phí soạn thảo VBQPPL. Vì vậy, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số số 338 là cần thiết.
Nội dung cơ bản của của dự thảo Thông tư thay thế: Về phạm vi điều chỉnh và cơ cấu: giữ nguyên như quy định của Thông tư số 338; Bổ sung một số quy định để phù hợp với quy định của Luật Ban hànhVBQPPL năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2020; Bổ sung quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số vấn đề quan trọng như: Đánh giá sự đầy đủ, khách quan, toàn diện, chính xác của Thông tư số 338; những khó khăn, vướng mắc về nội dung chi, mức chi, thủ tục; các định hướng của việc sửa đổi, bổ sung Thông tư; bổ sung; các hoạt động cần triển khai trong thời gian tới…


 
Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật, đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho rằng, phạm vi được quy định tại Thông tư hiện hành mới tập trung vào công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, còn những văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ… thì chưa có quy định cụ thể nên còn vướng mắc trong quá trình xử lý. Về nội dung, theo Phó Vụ trưởng Lê Đại Hải cần phải xác định văn bản nào thuộc phạm vi của Thông tư này và  quy trình, thủ tục xây dựng văn bản thì gồm những công việc cụ thể nào để xác định kinh phí cho phù hợp.
Giải thích một số vướng mắc liên quan đến việc triển khai Thông tư số 338 trong thời gian qua, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cần làm rõ hơn về các nội dung chi mới, rà soát cụ thể lại mức chi, lấy thêm ý kiến khảo sát của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc và bổ sung đề xuất cụ thể để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 

 
Đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nhận định bản chất của việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 338 là chi cho đầu tư phát triển; tăng mức chi cho các hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cần căn cứ vào quy trình để xác định nội dung chi cho từng hoạt động để có mức chi cho phù hợp. Xác định định mức chi không chỉ cho công tác soạn thảo mà phải từ công tác lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, tham gia ý kiến cho từng loại văn bản. “Bộ Tư pháp với vai trò tham mưu giúp Chính phủ quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật xác định định mức kinh tế kỹ thuật chi cho các hoạt động xây dựng pháp luật”, đồng chí Trần Anh Đức chia sẻ.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết sẽ báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tư pháp để cân nhắc về vấn đề mở rộng phạm vi của dự thảo Thông tư. Thứ trưởng nhận định: dự thảo Thông tư cần quy định rõ hơn những nội dung chi liên quan đến văn bản không phải là VBQPPL nhưng có tầm quan trọng, như: Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
 

 
Thứ trưởng nhấn mạnh: mục tiêu, nguyên tắc của Thông tư cần đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện hành và có nguồn đầu tư thỏa đáng cho công tác xây dựng pháp luật; đồng thời, xác định nguyên tắc chi như chi cho đầu tư phát triển.
Về nội dung chi, Thứ trưởng đề nghị Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật bám sát quy định của Luật ban hành VBQPPL, đối với những hoạt động có sản phẩm cụ thể thì phải có nội dung chi cụ thể. Về mức chi, Thứ trưởng lưu ý làm rõ cơ sở thực tiễn, yêu cầu công việc để có đề xuất phù hợp.
 

 
N.D