Tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo luật ở trình độ đại học và thạc sĩ

01/10/2021
Tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo luật ở trình độ đại học và thạc sĩ
Sáng nay 01/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã có buổi làm việc làm việc trực tuyến với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn về Đề án kiểm soát chất lượng đào tạo luật. Đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan cùng dự.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh sơn, mục tiêu của Đề án là tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo luật ở trình độ đại học và thạc sĩ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp; tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu về hành nghề luật, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ngành luật cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế. Do vậy, bên cạnh các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các đại biểu dự họp tập trung cho ý kiến về các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật.
 

 
Tại cuộc họp, đồng chí Chu Mạnh Hùng Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đã nêu một số tồn tại trong vấn đề đào tạo luật hiện nay tại nhiều cơ sở đào tạo luật như: Quy mô đào tạo vượt quá quy mô quy định mà trường được phép tuyển sinh, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo được cả về chất lượng và số lượng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vấn đề đầu vào tuyển sinh một số cơ sở rất thấp. Đồng chí cho rằng, mặc dù nhu cầu của người học phải được đáp ứng theo mục tiêu xã hội, nhưng vẫn phải có một ngưỡng nhất định để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đồng chí cũng cho rằng, ngành luật phải được xem là ngành đào tạo đặc thù như một số ngành y, dược hoặc sư phạm để có chính sách phù hợp hơn.
Về đề xuất kiến nghị, theo đồng chí Chu Mạnh Hùng, bên cạnh việc đào tạo, các cơ sở đào tạo luật phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, coi đây là một trong những giải pháp về tăng cường chất lượng đào tạo luật. Ngoài ra, cùng với giải pháp sắp xếp hoặc loại bỏ các cơ sở đào tạo luật không đáp ứng chuẩn đào tạo luật thì cần có giải pháp xử lý các cơ sở đào tạo luật có vi phạm chuẩn quy định về đào tạo. Bên cạnh thanh tra cơ sở đào tạo luật phải đẩy mạnh tăng cường giám sát thông qua hoạt động kiểm soát chất lượng. Theo đồng chí, chuẩn đưa ra mà cơ sở đào tạo luật không đạt ở yếu tố nào thì phải xử lý ở yếu tố đó…
 

 
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng thể hiện sự đồng tình với việc phải có đánh giá về kiểm soát chất lượng đào tạo để từ đó đưa ra các giải pháp để tăng cường chất lượng. Về đánh giá thực trạng liên quan đến hoàn thiện chính sách pháp luật, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vấn đề đào tạo. Thứ trưởng cho rằng, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan Đề án. Trong quá trình soạn thảo và hoàn thiện các văn bản pháp luật này, Thứ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu làm rõ các vướng mắc tại các dự thảo để tạo sự đồng bộ trong hệ thống.
 

 
Đưa ra các ý kiến về hoàn thiện dự thảo Đề án, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề cập đến giải pháp xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Theo Thứ trưởng, có thể đề xuất quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo cử nhân luật, về mã ngành đào tạo các trình độ; xiết chặt điều kiện mở các mã ngành đào tạo luật, kiên quyết không cấp mới mã ngành đào tạo cho các cơ sở không đủ điều kiện đào tạo luật. Đối với việc mở mã ngành đào tạo các trình độ, ngoài việc đáp ứng các điều kiện của cơ sở giáo dục đại học về mở ngành đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục đại học, thì điều kiện đào tạo ngành luật cần quy định chặt chẽ hơn về giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình…
 

An Như