Sáng ngày 29/9, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Đề án “Tổ chức thông tin, phổ biến chính sách quan trọng trong Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội”.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên cho biết, trong những năm qua, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nước ta đã ngày càng được hoàn thiện về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển đất nước, đặc biệt sau khi Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 2013. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã điều chỉnh, giải quyết kịp thời những vấn đề cụ thể, cấp bách được đông đảo người dân, dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội.
Thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các đề xuất chính sách, dự thảo VBQPPL đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Việc đăng tải công khai dự thảo VBQPPL trên các Cổng/Trang thông tin điện tử để lấy ý kiến người dân đã được thực hiện theo quy định. Một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia về lĩnh vực liên quan. Hoạt động phản biện xã hội đối với các dự thảo VBQPPL đã thu hút được sự tham gia của các chủ thể trong vai trò thực hiện phản biện xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lấy ý kiến, truyền thông đối với đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL còn hạn chế, bất cập như: việc tổ chức lấy ý kiến, truyền thông đề xuất chính sách, dự thảo VBQPPL nhìn chung còn mang tính hình thức, nhiều ý kiến góp ý còn chung chung, chưa bảo đảm chất lượng; việc tổ chức lấy ý kiến, truyền thông về dự thảo VBQPPL còn chưa đa dạng về hình thức, chủ yếu được thực hiện thông qua việc đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, ít khi thông qua hình thức hội thảo hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng; chất lượng lấy ý kiến, truyền thông đối với dự thảo VBQPPL còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của một số dự thảo VBQPPL.
Vì vậy, Dự thảo Đề án đưa ra mục tiêu nhằm thông tin, phổ biến về chính sách quan trọng trong dự thảo VBQPPL đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản nói riêng, các tầng lớp Nhân dân nói chung nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội; góp phần tăng cường hiệu quả việc lấy ý kiến, chất lượng xây dựng VBQPPL và tổ chức thi hành pháp luật trong thực tiễn, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Dự thảo Đề án tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác thông tin; Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo trong thực hiện thông tin, phổ biến chính sách quan trọng của dự thảo VBQPPL; Hoàn thiện thể chế, chính sách về thông tin, phổ biến dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL; Chỉ đạo, định hướng nội dung chính sách pháp luật quan trọng của dự thảo VBQPPL cần tập trung thông tin, truyền thông, phổ biến; Triển khai các hình thức thông tin, phổ biến về chính sách quan trọng trong dự thảo VBQPPL phù hợp với đối tượng và địa bàn cụ thể; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện thông tin, phổ biến chính sách quan trọng trong dự thảo VBQPPL; Huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác thông tin, phổ biến chính sách quan trọng trong dự thảo VBQPPL; Tổ chức khảo sát đánh giá mức độ tiếp cận thông tin chính sách quan trọng trong dự thảo VBQPPL của người dân, doanh nghiệp và thực hiện sơ kết, tổng kết Đề án.
Tiếp đó, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc gợi ý một số vấn đề cần lấy ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, bao gồm: tên gọi, sự cần thiết, tính hợp lý phù hợp của quá trình thực hiện Đề án. Về những nội dung cụ thể, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc nhấn mạnh các thành viên thảo luận, cho ý kiến sâu về phạm vi của Đề án, nội dung của đối tượng, đối tượng áp dụng…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ khẳng định về sự cần thiết của Đề án; qua đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ chính sách nào là quan trọng trong dự thảo văn bản QPPL và các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án này ban hành sẽ triển khai như thế nào và những cơ quan nào là cơ quan thực hiện...
Nhất trí về sự cần thiết ban hành Đề án, đồng chí Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, việc đẩy mạnh thông tin truyền thông trong quá trình soạn thảo một số dự án luật là một trong yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng của các dự án, dự thảo luật. Sự thông qua cao hay thấp của các dự án luật hay các văn bản QPPL chính là từ dư luận xã hội, sự đồng thuận xã hội. Việc xây dựng Đề án để đẩy sớm quá trình đưa chính sách các dự án, dự thảo luật đến người dân ngay từ giai đoạn soạn thảo giúp người dân có thể tiếp cận thông tin sớm. Đồng thời, nắm bắt được tinh thần cũng như chuẩn bị các điều kiện sau khi các văn bản QPPL được thông qua và triển khai thi hành, tạo sự thông suốt trong quá trình dự thảo.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Quỳnh Liên, Đề án cần xác định rõ trong quy trình soạn thảo văn bản QPPL gồm tinh thần truyền thông đối với những chính sách quan trọng, còn các quy trình hoặc các bước bắt buộc trong xây dựng văn bản là quy trình lấy ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bản; xác định rõ lấy ý kiến là một quy trình bắt buộc, được quy định cụ thể, đầy đủ trong Luật ban hành VBQPPL và không thể dùng một phương thức khác để thay thế cho hoạt động lấy ý kiến. Do vậy, cần phân biệt rõ hoạt động lấy kiến và hoạt động tạo đồng thuận xã hội. Từ đó, hình thức, nội dung truyền thông cũng phải khác quy trình lấy ý kiến.
“Ngành truyền thông là ngành mới và có vai trò quan trọng trong xã hội hiện nay, cần bám sát vào những đặc trưng của truyền thông cũng như ảnh hưởng, tác động của truyền thông đối với quá trình xây dựng pháp luật; sử dụng truyền thông để nâng cao hiệu quả hoạt động của xây dựng pháp luật, tạo đồng thuận trong xã hội và xử lý khủng hoảng truyền thông, nếu không sẽ đi chệch hướng”, đồng chí Nguyễn Quỳnh Liên nhận định.
Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập là đại diện các Bộ, ngành đã tập trung trao đổi, thảo luận tích cực nhằm góp ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến nội dung Dự thảo Đề án.
Nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong hoạt động xây dựng pháp luật, phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu, chính sách của Đề án và khẳng định phải tổ chức truyền thông. Về mục tiêu, chính sách không những nhằm thực hiện truyền thông nội dung quan trọng trong dự thảo VBQPPL để tạo sự đồng thuận xã hội mà còn là biểu hiện của việc tôn trọng nhân dân, coi nhân dân là chủ thể trong hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền. Phương thức thực hiện phải bảo đảm tránh trùng lặp với phương thức lấy ý kiến của quy trình soạn thảo văn bản QPPL. Bên cạnh đó, cần thống nhất phương thức thực hiện là truyền thông gắn liền với truyền tải, tương tác thông tin để tạo sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường nhận thức, công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo.
Thứ trưởng cũng gợi ý cơ quan chủ trì soạn thảo về tên gọi, phạm vi, mục tiêu, trách nhiệm thực hiện…của Đề án. Qua đó, Thứ trưởng yêu cầu Thủ trưởng cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo văn bản QPPL tổ chức truyền thông nội dung quan trọng trong dự thảo và ban hành Kế hoạch truyền thông về dự thảo văn bản QPPL cũng như truyền thông ngay từ khi Đề án được đưa vào Chương trình.
N.D