Bảo đảm nội dung Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

28/09/2021
Bảo đảm nội dung Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế
Chiều nay (28/9), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.
Báo cáo tại Hội đồng cho biết, thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”, Bộ Tư pháp đã giao Học viện Tư pháp xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.
Qua quá trình nghiên cứu Chương trình đào tạo luật của các nước tiên tiến trên thế giới, căn cứ vào kết quả điều tra về nhu cầu đào tạo và đặc biệt là qua quá trình tham vấn ý kiến của các tổ chức hành nghề luật sư, các chuyên gia xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, Học viện Tư pháp đã hoàn thành và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 2539/QĐ-BTP ngày 6 tháng 12 năm 2016 ban hành Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Trên cơ sở Chương trình khung, Giám đốc Học viện Tư pháp ban hành Chương trình chi tiết đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế theo Quyết định số 1418/QĐ-HVTP ngày 26/12/2016; Quyết định số 1480/QĐ-HVTP ngày 17/9/2019.
 

 
Thực hiện Chương trình khung đã được phê duyệt, tới thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã triển khai đào tạo được 04 khoá tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vào ngày 30/10/2021 sắp tới, Học viện Tư pháp sẽ khai giảng khóa 5 Lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh với số lượng dự kiến là 69 học viên và khai giảng khóa 5 tại Hà Nội vào cuối năm 2021.
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm đào tạo thời gian vừa qua, để đảm bảo sự phù hợp hơn nữa giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tiễn, Học viện Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế (sửa đổi, bổ sung).
Qua thực tế đào tạo cho thấy, Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế có những ưu điểm nhất định. Thể hiện ở việc số lượng học viên tham gia ngày càng tăng theo mỗi năm mặc dù học phí hiện là cao nhất so với các chương trình đào tạo nghề luật sư. Các tổ chức tiếp nhận học viên tốt nghiệp Chương trình vào làm việc và thực tập đều có những ghi nhận và đánh giá tốt về kỹ năng, kiến thức và ý thức thực hành nghề của các học viên này. Các học viên tốt nghiệp Chương trình đã bước đầu thu nhập được những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc thực hành nghề luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đã trở thành những kênh truyền thông – người giới thiệu, quảng bá tự nguyện và nhiệt tình cho Chương trình.
 

 
Bên cạnh những ưu điểm bước đầu nêu trên, Chương trình khung đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi. Theo ý kiến phản hồi từ các tổ chức hành nghề luật sư, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp và ý kiến đánh giá của giảng viên, học viên trực tiếp tham gia các khóa đào tạo, Chương trình khung có một số hạn chế, bất cập cụ thể như: việc phân bổ thời lượng giữa các khối kiến thức trong Chương trình khung chưa thật sự hợp lý; phần tự chọn chưa thật sự bảo đảm tính chuyên sâu hoặc chưa tạo nhiều cơ hội cho học viên lựa chọn học phần theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp thường chú trọng vào lĩnh vực thương mại tư; tên của một số môn học, bài học, sự phân định thời lượng giữa các môn học và bài học trong các học phần có một số điểm bất hợp lý, cần được điều chỉnh, sửa đổi hợp lý hơn.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Chương trình khung được thực hiện trên cơ sở 02 định hướng chính: Bảo đảm phù hợp hơn với các quy định pháp luật và thực tiễn mới về nghề nghiệp của luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cải cách tư pháp của Việt Nam. Sự thay đổi pháp luật từ năm 2016 đến nay với nhiều điều ước quốc tế Việt Nam tham gia ký kết, trở thành thành viên đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), nhiều văn bản pháp luật mới trong lĩnh vực thương mại quốc tế, hội nhập quốc tế (như: Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Luật Quản lý ngoại thương 2016, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật về đối tác công tư (PPP), Luật Ký kết thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, v.v…) đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế cho phù hợp.
Kế thừa những điểm hợp lý của Chương trình khung hiện tại, nhất là về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, thời gian đào tạo, cách phân chia các môn học, bài học trong chương trình, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu rà soát, khảo sát ý kiến của giảng viên, học viên và các chuyên gia cộng tác viên để bảo đảm phù hợp với đối tượng đào tạo và tính khả thi, thuận lợi trong quá trình triển khai đào tạo.
 

 
Hội đồng đã được lắng nghe các Ủy viên phản biện trao đổi, đóng góp ý kiến các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, các thành viên Hội đồng thẩm định bỏ phiếu thẩm định Chương trình.
Sau khi nghe các ý kiến tại Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định: Hội đồng đánh giá cao sự cần thiết rà soát sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình khung. Đồng thời, Hội đồng cũng đánh giá cao Học Viện Tư pháp trong việc tiến hành các công việc chặt chẽ với việc đánh giá kết quả áp dụng Chương trình đào tạo qua 04 khóa vừa qua, lấy ý kiến khảo sát của học viên, lấy ý kiến chuyên gia và ý kiến của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước... Hội đồng đánh giá Chương trình trình Hội đồng thẩm định cơ bản đáp ứng được yêu cầu đối với Chương trình khung đào tạo nền: Đã xác định rõ tên Chương trình, thời lượng và mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, khối lượng học tập, cấu trúc và nội dung Chương trình đều đạt yêu cầu.
 

 
Thứ trưởng lưu ý Học viện Tư pháp rà soát kỹ lưỡng hình thức đảm bảo đúng với Chương trình khung. Đề nghị Học viện bổ sung thêm nội dung về chuẩn đầu vào, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, đội ngũ giảng viên; tuy nhiên, cần chỉnh lý mục tiêu và chuẩn đầu ra đảm bảo tính khả thi. Về nội dung chương trình, Thứ trưởng cũng yêu cầu Học viện rà soát, cân nhắc đến một số nội dung của Chương trình, giảm bớt thời lượng một số chuyên đề không cần thiết; chuẩn hóa lại tên gọi của một số chuyên đề. Về đánh giá chung, Thứ trưởng nhấn mạnh: Căn cứ vào kết quả bỏ phiếu của Hội đồng thẩm định, Chương trình đạt yêu cầu sau nhưng phải chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.
 

 
N.D