Tư pháp tỉnh Ninh Thuận: Băn khoăn chuyện nhân sự và chuyên môn

11/09/2008
Ngày làm việc cuối cùng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Cùng Cường đã khép lại (ngày 10/9/2008) sau ba ngày làm việc với ba tỉnh miền Trung: Phú Yên, Khánh Hoà và Ninh Thuận về công tác tư pháp trên địa bàn các tỉnh này.

Bà Khúc Thị Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận bộc bạch, cán bộ tư pháp cấp phường, xã vừa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn xong, đến khi làm được việc rồi thì lại “bị” chính quyền cùng cấp điều sang làm việc khác, không ít cán bộ tư pháp đã trở thành Phó Chủ tịch xã, cũng là điều hãnh diện. Nhưng điều này làm cho công tác nhân sự phường xã vốn khó khăn càng trở nên khó hơn. Bà Thanh còn bày tỏ lo ngại về công tác chứng thực do cán bộ tư pháp phường, xã thực hiện. Bởi đã có không ít cán bộ làm công tác này nhưng không am hiểu pháp luật tận tường, thậm chí non kém cả kiến thức xã hội nữa. Ông Đỗ Văn Hùng, Trưởng thi hành án (THA) huyện Ninh Sơn, cho rằng, nên hạ tiêu chuẩn trong việc xét tuyển vào công tác tại cơ quan THA tại Ninh Sơn. Do đây là một huyện miền núi thì tiêu chuẩn tuyển dụng chỉ là tốt nghiệp đại học hệ tại chức hoặc đào tạo từ xa là đủ, không nhất thiết phải cứ là tốt nghiệp đại học chính quy. Ông Hùng cho rằng, nếu không hạ tiêu chuẩn thì rất khó khăn trong tuyển người vào làm việc, trong khi đó lượng án phải thi hành cứ năm sau tăng cao nhiều hơn năm trước rất nhiều (từ 30 – 40%). Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết Bộ đã hướng dẫn cụ thể rồi, chấp hành viên phải là cử nhân luật còn một vài công việc khác không nhất thiết là cử nhân.

Chấp hành viên tỉnh Ninh Thuận – Nguyễn Thị Bạch quan tâm đến vấn đề áp giải những người phải THA, theo bà Bạch, thực tế chấp hành viên gửi giấy mời nhưng người phải THA không lên, ra biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật cũng chẳng ăn thua. Vì vậy, bà Bạch cho rằng biện pháp chế tài hiện tại là chưa cụ thể và đủ mạnh, nên chăng chấp hành viên được trao quyền ra lệnh để lực lượng cảnh sát tư pháp có thể áp giải họ đến. Chấp hành viên tỉnh Ninh Thuận - Huỳnh Thanh Giao tiếp lời, đối với những vụ án mà số tiền phải THA nhỏ, chỉ vài triệu đồng, trong khi khối tài sản của người phải thi hành qua lớn, lên đến khoảng 150 triệu đồng nhưng người này lại không có thu nhập ổn định, không có điều kiện thi hành – là những trường hợp khá phổ biến. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến lượng án tồn đọng ngày càng tăng…

Liên quan đến công tác THA, ông Nguyễn Khái Hưng, Phó Cục trưởng Cục THADS, Bộ Tư pháp cho biết: “Để làm tốt công tác THA, các chấp hành viên cần thể hiện tính chính xác, khách quan, thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, phân loại án có điều kiện và không điều kiện… Đây là mấu chốt của vấn đề mà nếu thực hiện không tốt thì khó giải quyết được vấn đề, thậm chí dễ nảy sinh tiêu cực trong THA. Theo ông Hưng, mỗi chấp hành viên khi thực hiện công việc của mình, cần thể hiện tinh thần phối hợp với các cơ quan liên quan khác, đừng bao giờ tự cho mình là cấp trên đối với các cơ quan tại địa phương. Ông Hưng nhấn mạnh, cần xem trọng công tác giải quyết khiếu nại, chứ không thể giải quyết theo kiểu cho qua chuyện, nếu như thế thì vấn đề lại càng trở nên phức tạp hơn. Ông Hưng đúc kết, qua công tác thực tế ở ba tỉnh cho thấy, hầu hết những vụ việc chưa THA được là do vi phạm về thủ tục đấu giá. Cụ thể, tại Ninh Thuận, vụ Lê Thị Kim Thanh không có tài liệu về thủ tục đấu giá thể hiện trong hồ sơ. Chính vì vậy, ông Hưng khuyên, trong quá trình thực hiện việc của mình, cán bộ công chức THA không chỉ quan tâm đến các quy định trong THA mà còn phải nghiên cứu, áp dụng các văn bản pháp luật liên quan khác.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá cao những thành tựu mà ngành tư pháp Ninh Thuận đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì vẫn chưa đủ, chưa quyết liệt và chưa bắt kịp được sự phát triển của các địa phương khác nói riêng và cả  nước nói chung. Báo cáo của Ninh Thuận cho biết, 5 đơn vị chưa có Phó thi hành án, kết quả THA chỉ đạt trên 50% số vụ thụ lý, trong khí chỉ tiêu của Bộ giao là trên 70%.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, chưa bao giờ mà Bộ Tư pháp đã trình 100% đề án lên Quốc hội và Chính phủ. Điều đó thể hiện sự quyết liệt trong công tác của Bộ. Bộ trưởng nói, trong “cái chung” đó, không chỉ riêng Bộ mà có sự đóng góp không ít của các địa phương, mà Ninh Thuận là không ngoại lệ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đồng tình trước những băn khoăn về công tác chứng thực ở phường, xã là tiềm ẩn sự bất ổn định khá lớn. Trong khi trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, mà cán bộ tư pháp phường xã chỉ là người làm công tác chuyên môn. “Cán bộ công chức tư pháp trong tỉnh phải làm sao để mọi người chung sức, chung lòng làm thật tốt công việc tham mưu cho UBND tỉnh, có như thế thì tình hình kinh tế - xã hội của địa phương mới phát triển bền vững được.

Phong Trần