Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Khánh Hoà: Tìm lời giải cho bài toán cán bộ tư pháp xã, phường

10/09/2008
Hôm qua (9/9/2008), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã kết thúc ngày làm việc tại tỉnh Phú yên và bắt đầu chuyến làm việc tại tỉnh Khánh Hoà.

Trong buổi làm việc với Sở Tư pháp Khánh Hoà, Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hoà, bà Lê Minh Hiền trình bày với Đoàn công tác: “Hiện công tác tuyển dụng công chức ngạch chuyên viên pháp lý cho các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, năm 2007, Hội đồng tuyển dụng công chức THADS Khánh Hoà tổ chức thi tuyển dụng 13 chuyên viên pháp lý và một công chức dự bị thì chỉ có hai người nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng cả hai đều không trúng tuyển. Nguyên nhân bà Hiền đưa ra là do công tác THADS rất khó khăn, phức tạp nhưng lại chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ để thu hút người tâm huyết với ngành. Hiện THADS tỉnh thiếu đến 20 biên chế và điều đáng nói là hiện huyện Cam Lâm vẫn chưa có trưởng THADS…Toàn tỉnh vẫn còn 5 đơn vị chưa được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, thậm chí chưa có đơn vị nào có kho tang vật chứng. Vì vậy, bà Hiền đề nghị Bộ Tư pháp có chế độ đãi ngộ riêng đối với cán bộ làm công tác THADS, đồng thời tác động với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà trong việc xin cấp đất cho các cơ quan THADS.

Nói về công tác tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương, bà Hiền cho rằng đến nay, đội ngũ cán bộ tư pháp đã từng bước được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng. Nếu như năm 2005, tỷ lệ cán bộ tư pháp – hộ tịch có trình độ trung học trở lên là 53,8%, trong đó có 44,9% cán bộ có trình độ chuyên môn luật từ trung học trở lên, thì tỷ lệ tương ứng hiện nay lần lượt là 88,2% và 59,72%.

Đồng quan điểm với bà Hiền về công tác tư pháp địa phương, ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Nha Trang cho rằng, công việc của ngành tư pháp được giao hiện quá nặng nề, 8 tháng phòng đã chứng thực hơn 15.000 trường hợp; tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã chứng thực hơn 340.000 trường hợp. Trong khi đó, cán bộ tư pháp xã, phường còn phải làm bao nhiêu việc khác. Do đó, khi làm tốt công tác chứng thực thì công tác hoà giải cơ sở…lại không thể quán xuyến. Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vạn Ninh tiếp lời, cán hộ xã dù đã được đào tạo, bồi dưỡng nhưng nhiều người vẫn không thể làm được công việc của mình. Bà Hoa đúc kết, thực tế cho thấy nơi nào cán bộ tư pháp có thái độ làm việc nhẹ nhàng với dân, am hiểu công việc thì nơi đó mọi việc đều được giải quyết ổn thoả. Bà Hoa dẫn chứng, đã có trường hợp một vị Phó Chủ tịch xã bút phê vào hồ sơ của dân là “chuyển lên cơ quan có thẩm quyền”, còn cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào thì vị Phó Chủ tịch này không biết. Thử hỏi làm như thế có phải làm khổ dân.

Ông Trần Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thì quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật trên đài phát thanh, truyền hình khi cho rằng, trước đây khi có kinh phí phối hợp với đài thì chương trình của Sở đã được đông đảo bạn nghe đài hoan nghênh. Nhưng khi kinh phí cạn thì đài cũng không thể phối hợp thực hiện được nữa. Đem vấn đề này trình bày với UBND tỉnh thì được trả lời: Ngân sách đã cấp cho đài rồi thì không thể cấp cho Sở Tư pháp được nữa.

Trước những khó khăn trước mắt của ngành tư pháp các địa phương, nhất là cán bộ xã, phường, thị trấn. Ông Huỳnh Kim Chiến, trưởng Chi nhánh Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp (tại TP.HCM) bộc bạch: “Công tác tư pháp được ví như một câu chuyện tình, phải yêu thật lòng mới có kết cục đẹp. Công việc cũng thế, làm gì thì phải làm đến nơi – đến chốn, làm đến tận cùng, mà đối với cán bộ tư pháp “cái đích” hướng đến là phục vụ nhân dân. Có như thế mới có thể gắn bó với công tác trong thời điểm hiện nay được”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Hà Hùng Cường cho rằng, điều đáng mừng ở Khánh Hoà là công tác tư pháp đang từng bước khởi sắc, là điểm sáng cho công tác tư pháp cấp huyện, cấp xã. Bộ trưởng nhấn mạnh, các Sở là cánh tay nối dài của Bộ, thì các phòng Tư pháp cũng phải là cánh tay nối dài một cách tích cực của Sở. Làm được điều đó thì ngành tư pháp Khánh Hoà  đang và sẽ vươn lên một đỉnh cao mới.

Về công tác nhân sự tư pháp xã, phường, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói, sẽ rất nguy hiểm nếu như cán bộ tư pháp phường, xã không có kiến thức, trình độ chuyên môn về pháp luật mà lại tham mưu cho phường, xã về pháp luật. Điều quan trọng là các cơ quan cần đề ra giải pháp trong tuyển dụng cán bộ, đồng thời gắn liền với việc tuyển người như thế nào để họ có thể chấp nhận vào làm việc với “cái tâm” của người cán bộ. Chứ mỗi phường, xã thêm một cán bộ tư pháp thì cả nước có thêm hơn một vạn biên chế - một vấn đề không đơn giản đối với ngành tư pháp nói riêng và của nước ta nói chung.

Bà Hiền cho biết thêm, điều đáng mừng đối với Sở Tư pháp là UBND tỉnh Khánh Hoà đã tạo điều kiện và giao nhiệm vụ bán đấu giá hầu hết các loại tài sản từ nhiều nguồn như, tài sản THADS, tài sản của các cơ quan tài chính, quản lý thị trường, kiểm lâm…cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản. Vì vậy, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2008, trung tâm này đã đã ký kết được 31 hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với tổng giá trị hợp đồng lên đến hơn 9 tỷ đồng.

Phong Trần