Từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 8 năm 2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 11 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
Tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án Luật. Trong đó có dự án: Luật đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật đăng ký bất động sản.
- Về dự án Luật đăng ký giao dịch bảo đảm: Những năm vừa qua, hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta đã có nhiều tác dụng trong việc công khai, minh bạch các giao dịch; giúp cá nhân, tổ chức có thông tin tìm hiểu trước khi quyết định giao kết hợp đồng và đầu tư, cho vay vốn; tạo cơ sở pháp lý xác định thứ tự ưu tiên trong trường hợp cần xử lý tài sản để thanh toán nghĩa vụ. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật về nội dung này còn phân tán, giá trị pháp lý chưa cao; tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm còn nhiều bất cập; thiếu thống nhất trong việc cung cấp thông tin và thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm; ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm phải tiếp tục hoàn thiện và nâng lên thành Luật, để tạo thuận lợi cho xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại; tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường.
- Về dự án Luật đăng ký bất động sản: Thời gian qua, các quy định pháp luật về đăng ký bất động sản còn phân tán; quản lý hành chính về bất động sản chưa tách bạch với quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản tạo nên sự thiếu đồng bộ, không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quan hệ hành chính với quan hệ dân sự, kinh tế còn lẫn lộn; cá nhân, tổ chức phải lập nhiều bộ hồ sơ, đến các cơ quan để yêu cầu đăng ký và thực hiện nhiều quy trình đăng ký khác nhau; phải nộp nhiều loại phí và lệ phí. Do đó, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập nêu trên; đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch; ngăn ngừa và cung cấp chứng cứ để giải quyết các tranh chấp thông qua cơ chế công khai, minh bạch quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các quyền khác có liên quan; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các Uỷ ban thẩm tra với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan trong việc khẩn trương chuẩn bị các dự án Luật và yêu cầu các cơ quan này tiếp tục thực hiện những quy trình tiếp theo để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư sắp tới.
(Nguồn: Thông cáo Phiên họp thứ mười một của Uỷ ban Thường vụ Quốc hộiKhoáa XII)