Làm việc với tỉnh Phú Yên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Phát huy những kinh nghiệm hay, những cách làm mới

09/09/2008
Hôm qua (8/9/2008), UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về “Tổ chức, hoạt động hoà giải cơ sở và Quyết định của Thủ tướng về việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn”.
  • Hoà giải thành gần 80% số vụ việc

Trình bày với Đoàn làm việc của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu tham dự hội nghị, ông Phạm Ngọc Chi, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nêu vấn đề với ngành tư pháp địa phương rằng: “Để làm tốt công tác hoà giải và tủ sách pháp luật, cần làm thế nào để công tác quản lý và hướng dẫn hoạt động hoà giải cơ sở phải áp ứng được yêu cầu thực tế trong cuộc sống phải làm như thế nào; Vấn đề tồn tại của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn sẽ ra sao?...Tuy Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải không đề cập đến vấn đề này, nhưng trong thực tế Ban Tư pháp cấp xã đã có nhiều đóng góp quan trọng, vậy liệu có được coi là mô hình của hoạt động hoà giải(?)...

Ông Chi cho biết, hiện Phú Yên có 645 Tổ hoà giải ở các thôn, buôn, khu phố với 4.125 tổ viên hoà giải và 107 Ban ngành hoà giải, Hội đồng hoà giải ở các xã, phường và thị trấn. Số liệu báo cáo của UBND các huyện, thành phố trong tỉnh cho biết, từ năm 1998 đến tháng 5/2008, các tổ hoà giải ở các thôn, buôn, khu phố, cụm dân cư và các Ban hoà giải ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tiếp nhận 17.177 vụ việc. Trong đó, đã tiến hành hoà giải thành 13.307 vụ việc, đạt tỷ lệ 77,4%; chuyển 2.328 vụ việc hoà giải không thành đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết theo trình tự thủ tục của pháp luật, chiếm tỷ lệ 13,5%. Đối với số vụ còn lại thì các phường, xã, thị trấn đang tiến hành hoà giải.

Nhìn chung, hầu hết các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác hoà giải, đạt tỷ lệ hoà giải thành cao. Trong tổng số các vụ việc mà các tổ chức hoà giải ở cơ sở tiếp nhận để hoà giải thì có 5.911 vụ việc thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm 34,5%; 5.153 vụ thuộc lĩnh vực dân sự, chiếm 29,9%; 2.829 vụ việc thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, chiếm 16,4%. Số còn lại 3.284 vụ việc các lĩnh vực khác, chiếm 19,2%.

Có thể nói, UBND và các cơ quan tư pháp ở địa phương mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác hoà giải cơ sở nhưng trong chừng mực nào đó vẫn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác tổ chức, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa về kinh phí, về cơ sở vật chất cho công tác hoà giải. Cụ thể, về kinh phí mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định mức chi cho cho công tác hoà giải là là 70.000 đồng/ vụ việc. Tuy nhiên điều đáng nói là cho đến nay vẫn chưa có một địa phương nào thực hiện. Khó khăn nhất mà không riêng gì ở Phú Yên là công tác Tư pháp xã hiện nay chỉ có một cán bộ chuyên trách nhưng phải đảm nhận rất nhiều công việc như: Hộ tịch, văn bản, tuyên truyền phổ biến pháp luật, chứng thực, tủ sách pháp luật, hoà giải, hỗ trợ công tác thi hành và các công tác khác do UBND xã phân công. Mặt khác, đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, phường, thị trấn thường bị biến động theo hướng phát triển sau mỗi kỳ bầu cử HĐND. Đó là khó khăn lớn công tác tư pháp nói chung và công tác hoà giải nói riêng mà địa phương chưa có hướng khắc phục.

  • Phát huy tính chủ động, sáng tạo đang có

Thực tế hiện nay, là nếu nơi nào cấp Ủy Đảng và UBND, các đoàn thể ở địa phương nhận thức đầy đủ về công tác hoà giải thì địa phương đó ít xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật, ít có đơn khiếu nại, tính đoàn kết trong nội bộ dân cư được đảm bảo; tình làng nghĩa xóm, đạo lý truyền thống tốt đẹp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Qua công tác quản lý của Bộ Tư pháp cho thấy, công tác tư pháp nói chung; Công tác hoà giải cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật ở Phú Yên nói riêng đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, cùng với sự phối hợp của MTTQ và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh – đây là một điều đáng mừng”. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc các tổ chức hoà giải cơ sở không ngừng củng cố, kiện toàn đội ngũ hoà giải viên để phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hoà giải thành đạt tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh  đã có tủ sách pháp luật đưa vào sử dụng. Chưa hết, nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn mở rộng các hình thức khai thác tủ sách pháp luật cũng được các địa phương khai thác hiệu quả… Những việc làm đó góp phần tích cực trong việc nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Đồng thời giải quyết tốt những những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giảm một cách đáng kể các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, góp phần quan trọng trong việc chấm dứt tình trạng gửi đơn thư vượt cấp hoặc khiếu kiện đông người đồng người lên trung ương”.

Bộ trưởng cho rằng, “Các cấp chính quyền mà nòng cốt là ngành tư pháp cần tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ vững mạnh để nâng cao hiệu quả công tác hoà giải cơ sở và xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Riêng Phú Yên, cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, những kinh nghiệm hay, những cách làm mới trong công tác hoà giải và quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Quan tâm hơn nữa công tác kiểm tra, tổng kết thực tiễn để rút ra cách thức, phương pháp, mô hình phù hợp, nhân rộng điển hình trong toàn tỉnh và trong phạm vi cả nước…Phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị của Phú Yên  để báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có những điều chỉnh về mặt thể chế nhằm phù hợp với thực tế, tạo sự thống nhất giữa các văn bản về hoà giải cơ sở và văn bản chuyên ngành khác có liên quan”.

Trong 10 năm qua, UBND cấp huyện đã tổ chức mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hoà giải cho hàng ngàn tổ viên Tổ hoà giải ở cấp cơ sở với nội dung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, một số chuyên đề chuyên sâu, cụ thể như: Bằng hình thức truyền đạt trực tiếp  hoặc đưa ra những vấn đề để người trình bày và người nghe cùng tranh luận.    

Phong Trần