Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính: Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TP HCM đại diện, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ở tầm cao hơn

19/01/2009
Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Đức Chính đã trao quyết định bổ nhiệm PGS TS Nguyễn Thái Phúc (nguyên Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Luật TP.HCM) giữ chức Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM vào ngày 16/1/2009 vừa qua. Thứ trưởng khẳng định, việc bổ nhiệm nhằm kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Cơ quan Đại diện tại TP.HCM. Đây là sự bổ sung tốt không chỉ về mặt cán bộ lãnh đạo mà cả lĩnh vực chuyên môn cho Cơ quan Đại diện. Thứ trưởng tin rằng, với bề dày công tác của mình, PGS TS Phúc sẽ cùng với cả tập thể hiện có sớm ổn định và hoạt động hiệu quả, mạnh mẽ trong thời gian sớm nhất.

Với việc nâng tầm từ “Văn phòng II, Bộ Tư pháp” lên “Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp” tại TP.HCM cho thấy vị thế của Cơ quan Đại diện với mục đích đại diện cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cụ thể là Bộ trưởng giải quyết các công việc từ tỉnh Ninh Thuận trở vào. Theo đó, Cơ quan Đại diện có nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ở một tầm cao hơn; phối hợp với các Vụ, Cục triển khai tất cả các nhiệm vụ chuyên môn trên địa bàn mình hoạt động, đặc biệt là công tác tư pháp của ngành cần được triển khai một cách hiệu quả và nhạy bén hơn nữa – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, trước mắt Cơ quan Đại diện cần bắt tay ngay vào công việc của mình: Cụ thể, nhanh chống thay đổi về “chất” - phương pháp - tác phong làm việc, thể hiện tính chủ động, thực hiện chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Bộ... phải ở tầm cao hơn, rõ ràng và cụ thể hơn. Về công tác nhân sự, Thứ trưởng khẳng định, Cơ quan Đại diện cần xây dựng ngay “đề án về nhân sự” để mỗi một cán bộ, công chức khi làm việc đáp ứng được yêu cầu của công việc mà lãnh đạo Bộ đề ra.

Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cũng đã trao Quyết định Trưởng Thi hành án dân sự TP.HCM cho ông Nguyễn Văn Lực - nhằm sớm kiện toàn lãnh đạo thi hành án của cơ quan này. Được biết, Thi hành án dân sự TP.HCM cũng vừa trải qua những khoảnh khắc đáng trân trọng: Lần đầu tiên đạt và vượt mức chỉ tiêu chung của Bộ. Cũng là nơi có lượng giá trị thi hành án chiếm 1/3 cả nước; về công việc chiếm 1/6 nhưng nhân sự thì chỉ chiếm khoảng 1/10 của cả nước. “Công việc thi hành án là rất khó khăn, phức tạp, cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành, các cấp của địa phương; phải biết năm lấy cơ hội, tự chỉnh đốn mình nhằm vươn đến thành tích cao nhất trong công tác của mình. “Quyền năng của chấp hành viên là rất lớn, nhưng tiếp dân lại không đàng hoàng, có trường hợp ăn nói thiếu văn hoá; không tôn trọng trong việc xử lý tài sản của dân trong thi hành án; thậm chí không ít trường hợp thiếu chia sẻ, đè nén dân... Trong vị thế mới, những hạn chế này cần chấm dứt ngay.

Phong Trần