Vụ Tổ chức cán bộ

28/06/2023

Theo quy định tại Quyết định số 1186/QĐ-BTP ngày 28 tháng 06 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:

I. Vị trí và chức năng
Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi chung là cán bộ), đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp theo quy định của pháp luật. 
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
Vụ Tổ chức cán bộ (sau đây gọi là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 05 năm và hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
2. Xây dựng, trình Bộ trưởng quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản theo phân công của Lãnh đạo Bộ hoặc theo yêu cầu của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị thuộc các Bộ, ngành khác có liên quan.
3. Tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
4. Theo dõi tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
5. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
6. Về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm:
a) Tham mưu, đề xuất Bộ trưởng các biện pháp, giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Tư pháp; thẩm định, trình Bộ trưởng ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc Bộ theo quy định; thẩm định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc các đơn vị thuộc Bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ;
b) Hướng dẫn việc xây dựng đề án vị trí việc làm trong các đơn vị thuộc Bộ; thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
7. Về quản lý biên chế:
a) Hướng dẫn việc lập kế hoạch biên chế công chức của các đơn vị hành chính và kế hoạch số lượng người làm việc hàng năm của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của Bộ Tư pháp theo quy định pháp luật;
b) Tổng hợp, xây dựng kế hoạch biên chế công chức, kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên hàng năm của Bộ Tư pháp để Bộ trưởng xem xét, gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định pháp luật;
c) Trình Bộ trưởng quyết định giao biên chế công chức, số lượng người làm việc đối với các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật.
8. Về quản lý cán bộ:
a) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để xây dựng, trình Bộ trưởng quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức; mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp theo quy định pháp luật;  
b) Tham mưu, đề xuất Bộ trưởng các giải pháp quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ của Bộ; trình Bộ trưởng phê duyệt số lượng cấp phó của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật;
c) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức; bổ nhiệm vào ngạch, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức; xét thăng hạng, chuyển chức danh nghề nghiệp viên chức; quy hoạch cán bộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, luân chuyển, điều động, biệt phái, miễn nhiệm, từ chức; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho thôi giữ chức vụ kỷ luật; chuyển công tác, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ;
d) Trình Bộ trưởng quyết định việc chọn, cử công chức, viên chức của Bộ đi công tác, học tập ở trong nước và nước ngoài; cho phép công chức, viên chức của Bộ đi nước ngoài về việc riêng; cử cán bộ tham gia các ban chỉ đạo, ban soạn thảo, hội đồng, tổ biên tập và các tổ chức khác theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ;
đ) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện đánh giá cán bộ trong các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
9. Về chế độ, chính sách cán bộ:
a) Tổ chức thực hiện việc nâng lương, phụ cấp, tinh giản biên chế, nghỉ hưu, kéo dài thời gian công tác, thôi việc, nghỉ phép năm, nghỉ không hưởng lương; chế độ bảo hiểm xã hội và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ; 
b) Quản lý hồ sơ công chức, viên chức và người lao động theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ;
10. Về đào tạo và bồi dưỡng:
a) Trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch và phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hàng năm theo quy định pháp luật; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt;
b) Tổ chức biên soạn, thẩm định các chương trình, tài liệu về đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định pháp luật và phân công của Bộ trưởng;
c) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ hàng năm;
d) Tổ chức thực hiện các hướng dẫn về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ theo quy định pháp luật;
đ) Giúp Bộ trưởng quản lý Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và các Trường Cao đẳng Luật theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
11. Về thi đua - khen thưởng:
a) Theo dõi, tổng hợp tình hình kết quả thực hiện, sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; hướng dẫn, phổ biến tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong các phong trào thi đua;
b) Xây dựng, trình Bộ trưởng hệ thống tiêu chí thi đua, đánh giá xếp hạng các cơ quan, đơn vị Bộ, ngành Tư pháp và tổ chức thực hiện;
c) Tham mưu giúp Bộ trưởng phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng theo quy định pháp luật;
d) Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định pháp luật; 
đ) Là cơ quan làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng Sáng kiến ngành Tư pháp;
e) Giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn là thành viên của Khối thi đua các Bộ, ngành Nội chính Trung ương;
g) Quản lý, sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp theo quy định pháp luật;
h) Quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, hiện vật thi đua, khen thưởng, cấp phát, cấp đổi hiện vật khen thưởng theo quy định pháp luật.
12. Tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ của Bộ theo quy định pháp luật.
13. Tham mưu tổ chức thực hiện công tác tổ chức cán bộ của Hệ thống Thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
14. Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc theo dõi các hội hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định pháp luật.
15. Theo dõi tình hình tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, thi đua, khen thưởng của các cơ quan tư pháp địa phương; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, báo cáo tình hình tổ chức, cán bộ của ngành Tư pháp.
16. Quản lý tổ chức và hoạt động của Văn phòng Ban cán sự đảng theo các quy định của Ban cán sự đảng.
17. Tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới của Bộ, ngành Tư pháp; thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp.
18. Tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên của Bộ theo quy định pháp luật.
19. Thực hiện công tác kiểm tra; tham gia thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
20. Thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật.
21. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
22. Thực hiện truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong việc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
23. Thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp; công tác văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn an ninh mạng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
24. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; quản lý, vận hành, cập nhật Trang thông tin Thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp và cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật.
25. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật và của Bộ.
26. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
27. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
III. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Vụ:
Lãnh đạo Vụ gồm có Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng. Số lượng Phó Vụ trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ.
Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Vụ.
Các Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Vụ; được Vụ trưởng phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực, nhiệm vụ công tác được phân công. 
b) Các tổ chức trực thuộc Vụ:
- Phòng Tổ chức bộ máy và Biên chế;
- Phòng Quản lý cán bộ;
- Phòng Chính sách cán bộ;
- Phòng Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và Tổng hợp;
- Phòng Thi đua - Khen thưởng.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức trực thuộc Vụ do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trực thuộc Vụ do Vụ trưởng quy định. 
c) Văn phòng Ban cán sự đảng do Ban cán sự đảng thành lập, đặt tại Vụ Tổ chức cán bộ. Văn phòng Ban cán sự đảng có Chánh Văn phòng Ban cán sự đảng do Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kiêm nhiệm, Phó Chánh văn phòng và các công chức chuyên trách giúp việc Ban cán sự đảng.
2. Biên chế công chức của Vụ và Văn phòng Ban cán sự đảng thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. 
IV. Địa chỉ liên hệ

- Địa chỉ: 60 Trần Phú – Ba Đình – Hà Nội

- Điện thoại: 04.62739365

- Fax: 04.62739365

- Thư điện tử: tccb@moj.gov.vn



​​