Vụ Pháp luật quốc tế

27/06/2023

Theo quy định tại Quyết định số 1135/QĐ-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Pháp luật quốc tế là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện công tác xây dựng, tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đối với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà nội dung chủ yếu có yếu tố nước ngoài hoặc thực hiện các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam theo quy định pháp luật; tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế và quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạnVụ Pháp luật quốc tế (sau đây gọi là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 05 năm, hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm, hàng năm của ngành Tư pháp.
2. Nghiên cứu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và các dự án, giải pháp trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật Việt Nam để bảo đảm tính tương thích của pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3. Thực hiện nhiệm vụ đầu mối của Bộ Tư pháp về công tác điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế và các thỏa thuận vay nước ngoài bao gồm: việc xây dựng, tham gia xây dựng và đàm phán, thẩm định, góp ý các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và các thỏa thuận vay nước ngoài trừ các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về con nuôi, hợp tác về cải cách tư pháp và pháp luật với nước ngoài, quan hệ đối ngoại chung giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế.
4. Trình Bộ trưởng cấp ý kiến pháp lý theo quy định pháp luật.
5. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án mà nội dung chủ yếu có yếu tố nước ngoài hoặc thực hiện các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam (theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này) và các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác do Bộ trưởng giao.
6. Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
7. Theo dõi việc thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc mang tính hệ thống, liên ngành trong thi hành pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
8. Rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
9. Về tư pháp quốc tế:
a) Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ Cơ quan quốc gia trong quan hệ với các quốc gia thành viên, Cơ quan thường trực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Cơ quan trung ương của Việt Nam thực thi các công ước của Hội nghị này mà Việt Nam là thành viên và các hoạt động khác trong Hội nghị La Hay theo phân công của Bộ trưởng;
b) Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ Cơ quan đầu mối quốc gia trong thực thi Công ước Niu Oóc năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài;
c) Xử lý các vấn đề liên quan đến công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và quốc tế theo quy định pháp luật;
d) Xử lý các vấn đề xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền giữa Việt Nam và các nước trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và các vấn đề liên quan đến tư pháp quốc tế khác.
10. Về công pháp quốc tế:
a) Tham gia giải quyết tranh chấp; xử lý các vấn đề trong lĩnh vực công pháp quốc tế (trừ các vấn đề về con nuôi và công tác đối ngoại về nhân quyền) theo quy định pháp luật và phân công của Bộ trưởng;
b) Giúp Bộ trưởng thực hiện trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc đôn đốc xây dựng, trình ban hành, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Điều ước quốc tế.
11. Về pháp luật đầu tư có yếu tố nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế:
a) Tham gia đàm phán, góp ý các hợp đồng đầu tư, kinh doanh có sự tham gia của cơ quan nhà nước mà nội dung chủ yếu có yếu tố nước ngoài;
b) Xử lý vướng mắc đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam liên quan chủ yếu tới các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế (trừ các vướng mắc chỉ liên quan đến pháp luật về đất đai); dự án đầu tư ra nước ngoài; hợp đồng dầu khí; dự án dầu khí; hàng không, hàng hải;
c) Giúp Bộ trưởng trong công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
12. Về pháp luật thương mại quốc tế:
a) Đầu mối của Bộ trong việc xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, nghĩa vụ, quy chế thành viên của Việt Nam theo các điều ước quốc tế, diễn đàn, thiết chế, tổ chức quốc tế về thương mại quốc tế;
b) Đề cử, quản lý chuyên môn đối với đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ;
c) Tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
13. Về tương trợ tư pháp:
a) Đề xuất ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; xây dựng và đề xuất hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp theo quy định pháp luật;
b) Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Trung ương trong các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự;
c) Thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự thuộc nhiệm vụ của Bộ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự của các cơ quan tư pháp địa phương; thực hiện việc bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự theo quy định pháp luật;
d) Trao đổi thông tin về pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định pháp luật;
đ) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, tổng kết, báo cáo về tương trợ tư pháp theo quy định pháp luật;
e) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp khác theo quy định pháp luật.
14. Tham gia tổ chức quốc tế và diễn đàn quốc tế:
a) Đề xuất gia nhập các tổ chức, diễn đàn, hội nghị và tham gia hoạt động về pháp luật quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ;
b) Thực hiện nhiệm vụ của các Nhóm công tác của Uỷ ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp;
c) Tăng cường vai trò của Việt Nam trong các thiết chế đa phương về pháp luật và tư pháp quốc tế.
15. Đề xuất việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; rà soát, đánh giá tính tương thích của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế theo quy định pháp luật.
16. Xây dựng mạng lưới chuyên gia pháp luật quốc tế trong nước và nước ngoài để hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ của Vụ theo sự phân công của Bộ trưởng.
17. Xử lý và cho ý kiến về các vấn đề pháp luật quốc tế khác thuộc nhiệm vụ của Bộ phát sinh từ bảo vệ chủ quyền quốc gia, hội nhập quốc tế và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
18. Thực hiện công tác kiểm tra, tham gia thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
19. Thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật.
20. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và theo phân cấp của Bộ.
21. Thực hiện truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong việc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
22. Thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, công tác văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn an ninh mạng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
23. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; quản lý, vận hành, cập nhật nội dung trang thông tin điện tử pháp luật quốc tế theo quy định pháp luật.
24. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật và của Bộ.
25. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức của đơn vị theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
26. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Vụ:
Lãnh đạo Vụ gồm có Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng. Số lượng Phó Vụ trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ.
Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Vụ.
Các Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Vụ; được Vụ trưởng phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các tổ chức thuộc Vụ:
- Phòng Công pháp và điều ước quốc tế;
- Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp;
- Phòng Pháp luật đầu tư nước ngoài và giải quyết tranh chấp quốc tế;
- Phòng Pháp luật thương mại, tài chính quốc tế và Tổng hợp.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc Vụ do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức thuộc Vụ do Vụ trưởng quy định.
2. Biên chế công chức của Vụ thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
- Địa chỉ: 60 Trần Phú – Ba Đình – Hà Nội
- Điện thoại: 04.62739450
- Fax: 04.62739359
- Thư điện tử: plqt@moj.gov.vn



​​