Vụ Hợp tác quốc tế

06/07/2017

Theo quy định tại Quyết định số 1236/QĐ-BTP  ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:

I. Chức năng
Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật; thực hiện công tác đối ngoại về nhân quyền của Bộ; quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động đối ngoại của Bộ theo quy định của pháp luật và của Bộ.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
Vụ Hợp tác quốc tế (sau đây gọi là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 05 năm và hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
2. Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, đề án, chính sách, chương trình, kế hoạch và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật để Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng, các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật và văn bản khác theo phân công của Lãnh đạo Bộ.
3. Xây dựng các dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác với nước ngoài về cải cách tư pháp và pháp luật của Bộ (bao gồm cả điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi) để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đàm phán, ký kết hoặc quyết định đàm phán, ký kết theo thẩm quyền.
4. Đề xuất gia nhập các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực pháp luật; giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia trong quan hệ với Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO) và các quốc gia thành viên IDLO; tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế theo sự phân công của Bộ trưởng.
5. Thẩm định, góp ý xây dựng dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế:
a) Thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế (bao gồm cả điều ước quốc tế về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ) về hợp tác với nước ngoài về  cải cách tư pháp và pháp luật; dự thảo điều ước quốc tế về quan hệ hợp tác chung giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế;
b) Góp ý dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (bao gồm cả điều ước quốc tế về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ) về hợp tác với nước ngoài về cải cách tư pháp và pháp luật, về quan hệ hợp tác chung giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
6. Tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và các văn bản khác trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
7. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
8. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
9. Về công tác quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật:
a) Là đầu mối giúp Bộ trưởng tổ chức vận động, điều phối ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và viện trợ không hoàn lại không thuộc ODA trong hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật;
b) Thẩm định văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật; tham gia ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình, dự án với nhà tài trợ nước ngoài về cải cách tư pháp và pháp luật; cho ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản theo quy định;
c) Chuẩn bị ý kiến trình Lãnh đạo Bộ hoặc cho ý kiến theo ủy quyền đối với việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và người có thẩm quyền theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền; cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam;
d) Quản lý hoạt động của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật;
đ) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các quy định pháp luật về hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật; tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
10. Về thực hiện đầu mối công tác đối ngoại về nhân quyền của Bộ:
a) Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966; tổ chức thực hiện, theo dõi, đôn đốc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền của Công ước;
b) Thực hiện vai trò đầu mối về đối ngoại của Bộ Tư pháp liên quan đến các điều ước quốc tế về quyền con người sau đây: Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD); Công ước về Quyền trẻ em (CRC); Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD); Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT); cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR);
c) Thực hiện vai trò đầu mối của Bộ Tư pháp trong Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, tham gia đối thoại nhân quyền với nước ngoài và tổ chức quốc tế, trả lời kháng thư.
11. Về thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối về công tác thỏa thuận quốc tế của Bộ Tư pháp:
a) Đề xuất xây dựng chiến lược, kế hoạch ký kết, gia nhập và thực hiện thỏa thuận quốc tế của Bộ Tư pháp;
b) Theo dõi, đôn đốc, rà soát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện các thỏa thuận quốc tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ để báo cáo Bộ trưởng hàng năm.
12. Về xây dựng và quản lý chương trình, dự án, phi dự án của Bộ Tư pháp:
a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, thẩm định trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, dự án, phi dự án hợp tác quốc tế do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản;
b) Quản lý việc thực hiện và điều phối hoạt động của các chương trình, dự án, phi dự án do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản; theo dõi, đôn đốc, rà soát, đánh giá, tổng hợp việc thực hiện và điều phối các hoạt động do các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện trong các chương trình, dự án, phi dự án do các cơ quan khác là cơ quan chủ quản; báo cáo Bộ trưởng hàng năm;
c) Quản lý tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp theo quy định pháp luật và của Bộ.
13. Về công tác quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp:
a) Tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ quyết định cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo thẩm quyền;
b) Hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đảm bảo yêu cầu đối ngoại khi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định;
c) Đánh giá kết quả hội nghị, hội thảo quốc tế; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, các quy định về thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau hội nghị, hội thảo quốc tế; báo cáo Bộ trưởng hàng năm;
d) Thực hiện nhiệm vụ khác về quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp theo quy định.
14. Về công tác xây dựng và thực hiện Kế hoạch đối ngoại (đoàn ra, đoàn vào) của Bộ Tư pháp:
a) Tổng hợp, xây dựng Kế hoạch đối ngoại hàng năm của Bộ Tư pháp để trình Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ phê duyệt theo thẩm quyền hoặc gửi Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và đề xuất việc điều chỉnh Kế hoạch đối ngoại; báo cáo Bộ trưởng 06 tháng một lần;
b) Xây dựng Đề án tổ chức đoàn ra, đón đoàn vào cấp Bộ trưởng và các đoàn cấp Thứ trưởng do Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị chủ trì thực hiện theo Kế hoạch hoạt động đối ngoại của Bộ và phân công của Lãnh đạo Bộ; thẩm định Đề án tổ chức đoàn ra, cho ý kiến đối với đề xuất, kế hoạch đón đoàn vào và tiếp khách quốc tế theo đề nghị của các đơn vị thuộc Bộ trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt;
c) Chủ trì hoặc phối hợp chuẩn bị, tổ chức các đoàn ra theo Đề án đoàn ra đã được phê duyệt và theo phân công của Lãnh đạo Bộ;
d) Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các thủ tục đón tiếp các đoàn cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, cấp Vụ hoặc các đoàn chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam và các thủ tục tiếp khách quốc tế làm việc với Bộ.
15. Về quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo quy định của pháp luật về thông tin đối ngoại:
a) Xây dựng, tổ chức, theo dõi, đôn đốc thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch công tác thông tin đối ngoại của Bộ, ngành Tư pháp theo giai đoạn và hàng năm;
b) Thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin về Bộ, ngành Tư pháp cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài:
- Thu thập, xử lý thông tin và thực hiện các hoạt động có liên quan để tham mưu cho Người phát ngôn, Người được uỷ quyền phát ngôn thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp;
- Cung cấp thông tin cho người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về những nội dung, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
c) Thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin về tình hình thế giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật.
16. Tổ chức thực hiện công tác biên, phiên dịch phục vụ công tác đối ngoại của Lãnh đạo Bộ.
17. Tổ chức thực hiện công tác lễ tân đối ngoại theo quy định của Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ.
18. Thực hiện công tác kiểm tra, tham gia thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
19. Thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật.
20. Thực hiện truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong việc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
21. Thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, công tác văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn an ninh mạng; phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật.
22. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; quản lý, vận hành, cập nhật trang thông tin điện tử và cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật.
23. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán; quản lý sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật và của Bộ.
24. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức của đơn vị theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
25. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
III. Cơ cấu tổ chức, biên chế
1. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Vụ:
Lãnh đạo Vụ gồm có Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng. Số lượng Phó Vụ trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ. 
Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Vụ.
Các Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Vụ; được Vụ trưởng phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công. 
b) Các tổ chức thuộc Vụ:
- Phòng Tổng hợp, hành chính và Quản lý hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật (gọi tắt là Phòng Tổng hợp và Quản lý hợp tác);
- Phòng Hợp tác quốc tế khu vực châu Âu và châu Mỹ và nhân quyền (gọi tắt là Phòng Hợp tác I);
- Phòng Hợp tác quốc tế khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại dương (gọi tắt là Phòng Hợp tác II).
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc Vụ do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. 
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức thuộc Vụ do Vụ trưởng quy định.
 2. Biên chế công chức của Vụ thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. 

- Địa chỉ: 60 Trần Phú – Ba Đình – Hà Nội
- Điện thoại: 04.62739525
- Fax: 04.62739540
- Thư điện tử: htqt@moj.gov.vn



​​