Cục Công tác phía Nam

06/07/2017

Theo quy định tại Quyết định số 676/QĐ-BTP ngày 9 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công tác phía Nam, Cục Công tác phía Nam có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:
I. Vị trí và chức năng
Cục Công tác phía Nam là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Phú Yên trở vào đến Cà Mau (sau đây gọi là Khu vực); thực hiện công tác quản trị nội bộ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp tại Khu vực.
Cục Công tác phía Nam (sau đây gọi là Cục) có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
II. Nhiệm vụ, quyền hạn
Cục có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm, hàng năm của Cục; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
2. Tham gia xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ hoặc các dự án, dự thảo văn bản khác theo đề nghị của các đơn vị thuộc Bộ.
3. Tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ tại Khu vực:
a) Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, giải pháp về xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự tại Khu vực và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Hướng dẫn, triển khai, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác của Bộ tại Khu vực; chủ động đề xuất với Bộ trưởng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp, thi hành án dân sự tại Khu vực;
c) Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động, những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh, các đề xuất của địa phương trong Khu vực liên quan đến công tác tư pháp, thi hành án và đề xuất Lãnh đạo Bộ các biện pháp khắc phục kịp thời;
d) Cung cấp thông tin, tham gia bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Ngành đối với các tập thể và cá nhân thuộc Khu vực.
4. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ tại Khu vực theo uỷ quyền của Bộ truởng:
a) Làm đầu mối liên hệ, tổ chức các buổi làm việc giữa Bộ với cấp uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Khu vực; theo dõi, tổng hợp đề xuất của cấp ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác tư pháp;
b) Thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực khác theo uỷ quyền của Bộ trưởng;
c) Thực hiện một số quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ của Bộ và của các cơ quan thi hành án dân sự theo uỷ quyền của Bộ trưởng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và Quy chế phối hợp công tác giữa Cục Công tác phía Nam với các đơn vị thuộc Bộ;
d) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế và tham gia vào quá trình giải quyết các tranh chấp quốc tế theo phân cấp và chỉ đạo của Bộ trưởng;
đ) Tổ chức tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại, vào sổ theo dõi và thụ lý, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo trình tự, thủ tục của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
e) Theo dõi, kiểm tra, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ về các lĩnh vực thuộc phạm quản lý của Bộ tại Khu vực;
g) Theo dõi Quy chế phối hợp công tác giữa Cục với các đơn vị thuộc Bộ, giữa Cục với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
5. Thực hiện công tác quản trị phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ tại Khu vực:
a) Tổ chức các hội nghị giao ban Khu vực; chủ trì, phối hợp tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, giao ban, các kỳ thi của Bộ tại Khu vực; điều hành hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết, tổng kết Ngành hoặc hội nghị tổng kết chuyên đề của Bộ hoặc Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức theo phân công, uỷ quyền của Bộ trưởng;
b) Bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức của Bộ vào công tác tại Khu vực và theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ theo chế độ, chính sách hiện hành;
c) Phối hợp đón và tiễn các đoàn khách quốc tế của Bộ đến công tác tại Khu vực;
d) Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức của Bộ đã nghỉ hưu, thực hiện lễ tân, thăm hỏi, thăm viếng, tang lễ tại Khu vực theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng.
6. Thực hiện các hoạt động thông tin, hỗ trợ và phối hợp công tác với các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự trong Khu vực theo phân công, uỷ quyền của Bộ trưởng và đề nghị của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự trong Khu vực.
7. Tham gia nghiên cứu khoa học, phổ biến giáo dục pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
8. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ trưởng.
9. Thực hiện công tác cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng; công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
10. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
11. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
12.  Quản lý về tổ chức và hoạt động đối với tổ chức sự nghiệp trực thuộc Cục và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức sự nghiệp trực thuộc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
13. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do Bộ trưởng giao.
III. Cơ cấu tổ chức, biên chế
1. Cơ cấu tổ chức của Cục gồm:
a) Lãnh đạo Cục:
Lãnh đạo Cục gồm có Cục trưởng và không quá 03 (ba) Phó Cục trưởng.
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Cục.
Các Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Cục; được Cục trưởng phân công trực tiếp quản lý một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các đơn vị trực thuộc Cục:
- Văn phòng Cục;
- Phòng Công tác Tư pháp;
- Phòng Công tác Thi hành án dân sự;
- Đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật.
Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật là đơn vị sự nghiệp thuộc Cục, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức trực thuộc Cục do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức trực thuộc Cục do Cục trưởng quy định.
2. Biên chế:
a) Biên chế hành chính của Cục thuộc biên chế hành chính của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
b) Biên chế sự nghiệp của Cục do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ theo quy định của pháp luật về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập.
- Địa chỉ: 200c đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 TPHCM
- Điện thoại: 08.38181995
- Fax: 08.38181994
- Thư điện tử: congtacphianam@moj.gov.vn



​​