Bộ Tư pháp đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Tin tức

Bộ Tư pháp đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”. Thời gian qua, việc gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với CCHC, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” là giải pháp hiệu quả trong đổi mới phương thức làm việc và thể hiện sự năng động của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo chuyển biến trong mối quan hệ giữa nhà nước với tổ chức, công dân. Ở nước ta, sau 20 năm tổ chức thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”[1], có thể thấy, đây là một chủ trương lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, được thể hiện thông qua các quy định cụ thể và ngày càng hoàn thiện.
Tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định mục tiêu cải cách TTHC là “Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau”; trong đó, nhiệm vụ đến năm 2025 phải “hoàn thành đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ”.
Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng xác định “Triển khai Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ” là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 và những năm tiếp theo.
Tại Bộ Tư pháp, công tác CCHC, trong đó có nhiệm vụ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng được Lãnh đạo Bộ quan tâm và thường xuyên quán triệt triển khai thực hiện.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 về Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã chủ động rà soát các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Quyết định số 985/QĐ-TTg của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành Quyết định số 3087/QĐ-BTP ngày 26/12/2018 phê duyệt Đề án tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ.
Năm 2021, tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 963/QĐ-BTP ngày 04/6/2021 triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Quyết định số 515/QĐ-BTP ngày 05/4/2022 triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Với mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, ngày 25/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2097/QĐ-BTP phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp.
Một số nội dung đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp
Theo Quyết định số 2097/QĐ-BTP, về mô hình tổ chức: tiếp tục duy trì Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) tại các đơn vị giải quyết TTHC đã thành lập (bao gồm: Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Con nuôi, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm), đồng thời, thành lập mới Bộ phận một cửa tại 03 đơn vị: Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Cục Bồi thường nhà nước; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Mô hình một cửa phân tán phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của Bộ Tư pháp hiện nay do khó có điều kiện bố trí một bộ phận một cửa tập trung cho tất cả các đơn vị thuộc Bộ; Giúp các đơn vị chủ động trong việc bố trí trụ sở, nhân sự, trang thiết bị… trong việc giải quyết TTHC, đặc biệt là đối với các đơn vị có trụ sở ngoài Bộ Tư pháp nhưng lại có số lượng hồ sơ phát sinh lớn như: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Căn cứ thực tế điều kiện, quy mô, số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC, các đơn vị có thể linh hoạt thành lập Bộ phận một cửa hoặc giao trách nhiệm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho một đơn vị trực thuộc.
 Về cách thức thực hiện: (i) Đổi mới việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trực tuyến; tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; (ii) Đổi mới hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng gắn với số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; (iii) Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới. Bộ Tư pháp thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trực tuyến đối với tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ.
Triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp, thời gian qua, một số đơn vị thuộc Bộ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó, tiếp tục quán triệt thực hiện chủ trương: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết; sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu Bộ phận một cửa theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm là một trong những đơn vị đi đầu tiên phong trong sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu Bộ phận một cửa, đây cũng là đơn vị có số lượng TTHC phát sinh nhiều nhất trong các đơn vị có TTHC tại Bộ Tư pháp).
Với những đổi mới nêu trên đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp, đẩy mạnh cải cách TTHC, bảo đảm các TTHC được tiếp nhận, giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân khi yêu cầu thực hiện TTHC tại Bộ Tư pháp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực có giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp./.
 
[1] Quyết định số 366/HĐBT ngày 7/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/09/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; (ii) Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/06/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; (iii) Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.