Về phía khách mời có Đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương là thành viên Hội đồng thẩm định các chỉ số thành phần Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 như: Bộ Nội vụ (Vụ Cải cách hành chính); Bộ Tài chính (Văn phòng Bộ); Bộ Thông tin và truyền thông (Cục Tin học hóa); Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính); Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng); Sở Tư pháp TP. Hà Nội (là đối tượng tham gia đánh giá qua điều tra xã hội học về Bộ Tư pháp) và một số cơ quan báo đài đến đưa tin về Tọa đàm.
Bộ Tư pháp tiếp tục khẳng định vị trí Top 3 Bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính năm 2020
Đây là khẳng định trong Báo cáo tại Tọa đàm của đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, với tổng số điểm Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp năm 2020 là 94.02/100 điểm, đứng thứ 3/17 bộ, là năm thứ năm liên tiếp Bộ Tư pháp tăng giá trị điểm; đồng thời, Bộ Tư pháp là một trong ba đơn vị khi kết thúc 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%. Đặc biệt, trong đánh giá Chỉ số CCHC năm 2020, Bộ Tư pháp cũng đạt tỷ lệ điểm cao hơn cũng như thăng hạng vượt bậc ở nội dung đánh giá thông qua điều tra xã hội học (từ vị trí thứ 10/17 bộ năm 2019 lên vị trí thứ 02/17 bộ năm 2020), cũng chính là sự phản ánh, nhìn nhận, đánh giá cao của Lãnh đạo, Công chức các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và của các Hội, Hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý đối với việc thực hiện CCHC trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Về chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020
Năm 2020, chỉ số SIPAS được tiến hành đánh giá tại 06 Sở là: Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp với 02 dịch vụ công của mỗi Sở được đánh giá. Ngành Tư pháp tiếp tục khẳng định vai trò của mình khi đứng thứ 2/6 Sở thuộc diện đánh giá về Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức thông qua dịch vụ công Lý lịch tư pháp và Trợ giúp pháp lý nhà nước.
Triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ, ngày 11/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-BTP về Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ triển khai thực hiện công tác cải cách thể chế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác chuyên môn và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Đây là khẳng định trong Báo cáo do đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ trình bày tại Tọa đàm.
Để thiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Bộ Tư pháp đã đề ra 40 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 132 nhiệm vụ cụ thể trên 07 lĩnh vực là: Cải cách thể chế; Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và gắn với công tác đánh giá, xếp hạng thi đua - khen thưởng hàng năm
Tại Tọa đàm, Bộ Tư pháp nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu của đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương; nhìn chung, các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm đều khẳng định vị trí, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong công tác CCHC của Chính phủ cũng như sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đối với công tác CCHC, với việc liên tục dẫn đầu chỉ số CCHC trong các năm gần đây đã thể hiện được điều đó.
Phát biểu Kết luận tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, Bộ Tư pháp luôn coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp; là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Lãnh đạo Bộ đã có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để tổ chức công tác CCHC thực chất và hiệu quả. Thứ trưởng hoan nghênh và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, cầu thị của các đơn vị thuộc Bộ, cũng như phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Để thực hiện tốt Chương trình tổng thể CCHC nhà nước gia đoạn 2021 - 2030, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt Kế hoạch CCHC đã được ban hành của Bộ, cụ thể hóa thành Kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị mình và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm; chủ động tham mưu, đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm; Tăng cường công tác truyền thông phổ biến chính sách pháp luật, chủ động thông tin tuyên truyền ngay từ khâu soạn thảo văn bản; Đổi mới công tác xây dựng pháp luật; Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác; Gắn công tác CCHC với việc đánh giá, xếp hạng thi đua khen thưởng hàng năm.
Để ghi nhận cũng như kịp thời động viên, khích lệ các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định 1561/QĐ-BTP ngày 18/10/2021 tặng “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp” đối với 03 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc. Thay mặt Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân nêu trên tại Tọa đàm.