Triển khai Quyết định số 2440/QĐ-BTP ngày 28/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP thì
“Căn cứ số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ…”, Bộ Tư pháp đã đánh giá thực trạng số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở, theo đó:
- Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) do các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC bao gồm:
(1) Tổng Cục thi hành án dân sự: 22 TTHC;
(2) Cục Bổ trợ tư pháp: 67 TTHC;
(3) Cục Con nuôi: 06 TTHC;
(4) Cục Bồi thường nhà nước: 03 TTHC;
(5) Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm: 08 TTHC;
(6) Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia: 03 TTHC;
(7) Vụ Phổ biến, giáo dục, pháp luật: 02 TTHC;
(8) Văn phòng Bộ: 01 TTHC. Còn lại 43 TTHC là do Bộ Tư pháp giải quyết mà không trực tiếp tiếp nhận, trả kết quả (như lĩnh vực quốc tịch…).
- Thống kê số lượng hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả trong 09 tháng đầu năm 2018 đối với TTHC do 08 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC như sau:
Tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận là 544.997 hồ sơ, trong đó: hồ sơ
tiếp nhận trực tiếp là 99.357 hồ sơ (chiếm tỷ lệ
18.23%) - trong đó có 98.802 hồ sơ (chiếm 99.44%) do 03 Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thực hiện; hồ sơ
tiếp nhận qua mạng hoặc qua dịch vụ bưu chính là 445.640 hồ sơ (chiếm tỷ lệ
81.77%).
Tổng số hồ sơ trả kết quả giải quyết TTHC là 544.696 hồ sơ, trong đó:
trả kết quả trực tiếp là 99.092 hồ sơ (chiếm tỷ lệ
18.19%) - trong đó có 98.802 hồ sơ (chiếm 99.71%) do 03 Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thực hiện;
trả kết quả qua mạng hoặc qua dịch vụ bưu chính là 445.604 hồ sơ (chiếm tỷ lệ
81.81%).
- Về tình hình bố trí trụ sở 08 đơn vị thuộc Bộ thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC: Do trụ sở chính của Bộ hiện nay rất chật hẹp nên việc bố trị địa điểm làm việc tập trung cho tất cả các đơn vị thuộc Bộ là không khả thi. 08 đơn vị thuộc Bộ thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC hiện nay có trụ sở phân tán ở 03 địa điểm khác nhau. Trong đó, đối với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thì việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC do 03 Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thực hiện và hiện nay thì 03 Trung tâm đều có trụ sở riêng ở 03 thành phố là: Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.
Do đó, có thể thấy rằng, số lượng hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC gửi đến Bộ Tư pháp là không nhiều, chủ yếu gửi qua bưu chính, qua mạng. Đồng thời, hiện có 03 đơn vị tiếp nhận hồ sơ có trụ sở ở ngoài trụ sở chung của Bộ
[1].
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, với mục tiêu
“Tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ theo đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ” và 04 quan điểm chỉ đạo xây dựng Đề án là:
(i) Đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và quy định của pháp luật về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tổ chức cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;
(ii) Đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ;
(iii) Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thuộc Bộ và tổ chức, cá nhân thực hiện các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp trong điều kiện đang đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính;
(iv) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC và trong việc theo dõi, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC của các đơn vị thuộc Bộ, ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 3087/QĐ-BTP phê duyệt Đề án tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ.
Theo đó, Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ như sau:
- Tại Tổng cục Thi hành án dân sự, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Cục có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC: bố trí Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của đơn vị mình. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ phận Một cửa thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.
- Tại Văn phòng Bộ và các Vụ thuộc Bộ có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC: thực hiện việc giao bổ sung trách nhiệm Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC cho 01 đơn vị trực thuộc.
- Văn phòng Bộ thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các đơn vị thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh việc giao các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện Đề án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã giao
“Sau 03 năm tổ chức thực hiện, Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tổ chức sơ kết việc thực hiện, báo cáo Lãnh đạo Bộ đề xuất cơ chế thực hiện phù hợp trong thời gian tiếp theo”./.
[1] Là: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Cục Bồi thường Nhà nước và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia