Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế của Bộ Tư pháp trong năm 2018 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực

Tin tức

Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế của Bộ Tư pháp trong năm 2018 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực

Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu, cầu của người dân, doanh nghiệp; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý VBQPPL được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến có nhiều đổi mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải pháp luật đến người dân, cụ thể như sau:

1. Tình hình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện các đề án, văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì xây dựng, soạn thảo; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh
- Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ chủ trì soạn thảo để trình Quốc hội khóa XIV thông qua: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng đề nghị xây dựng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật quy định về điều kiện kinh doanh.
- Đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản, đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ: tính đến hết tháng 11/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 21 văn bản do Bộ Tư pháp trình[1] (gồm cả những văn bản trình từ năm 2017), Bộ Tư pháp đã trình 10/10 văn bản có thời hạn phải trình trong 11 tháng năm 2018 (đạt tỷ lệ 100%) và hiện đang tiếp tục khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với 07 văn bản có thời hạn trong tháng 12/2018. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện đối với các văn bản đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được ban hành.
- Nhằm mục đích nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đảm bảo vai trò “gác cổng” về thể chế, tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 05/12/2018, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 41 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và 246 dự thảo văn bản QPPL. Trong quá trình thẩm định các văn bản QPPL, đặc biệt là các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định liên quan đến việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và Luật quy hoạch đô thị; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Dự thảo nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…, Bộ Tư pháp đều có ý kiến rõ ràng, cụ thể, nhất là đối với các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính còn chung chung, chồng chéo, không cụ thể, không lượng hóa, gây cản trở và khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó, đảm bảo quy định mới được ban hành không có các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý theo như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[2].
- Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh. Tính đến ngày 30/11/2018, chỉ còn 06 văn bản (04 nghị định, 01 quyết định, 01 thông tư) chưa được ban hành để có hiệu lực cùng với luật, pháp lệnh, giảm 04 văn bản so với cùng kỳ 2017, trong đó Bộ Tư pháp không có văn bản nợ ban hành.
2. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
- Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật: Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm tra theo thẩm quyền đối với các văn bản của các Bộ, ngành, địa phương; trong đó, chú trọng kiểm tra những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp (như nông nghiệp, thương mại, đất đai, doanh nghiệp, xây dựng...) và những văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, trong năm 2018, Bộ đã ban hành Kế hoạch kiểm tra văn bản theo chuyên đề Tài nguyên và Môi trường và tiến hành kiểm tra từ Trung ương (cấp Bộ) đến địa phương (63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Qua kiểm tra, đã phát hiện và yêu cầu cơ quan ban hành xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật, tạo được dư luận tích cực trong xã hội, góp phần tháo gỡ, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2018 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (tại Công văn số 7674/VPCP-PL ngày14/8/2018 của Văn phòng Chính phủ) về việc xử lý văn bản trái pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổ chức các Đoàn Kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc xử lý văn bản trái pháp luật. Hiện nay, Bộ đang xây dựng Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá việc xử lý văn bản trái pháp luật để gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2018.
Công tác pháp điển hệ thống QPPL: Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 16/01/2018 về kết quả pháp điển các chủ đề: Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục; Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 16/10/2018 phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống QPPL đối với các chủ đề: Dân tộc; Môi trường; Ngân hàng; Tiền tệ và 23 Đề mục; Nghị định số 129/2018/NĐ-CP ngày 24/9/2018 bãi bỏ một số văn bản QPPL trong lĩnh vực quốc phòng và Quyết định số 31/2018/QĐ-TTg ngày 03/8/2018 bãi bỏ một số văn bản QPPL trong lĩnh vực quốc phòng; tài chính; ngân hàng. Hiện nay, Bộ cũng đang hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2018 đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản QPPL do Chính phủ ban hành và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản QPPL do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Việc triển khai Luật PBGDPL, các Chương trình, Đề án về PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Việc lồng ghép, khai thác, huy động nguồn lực bước đầu được thực hiện; cơ chế phối hợp trong PBGDPL ngày càng được tăng cường thông qua việc ký kết, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc thực hiện công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 - 2022; phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành Media tổ chức thực hiện chương trình truyền hình “Sức nước ngàn năm” trên sóng VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu pháp luật thông qua các tình huống, sự kiện pháp luật cụ thể.
Triển khai Luật Tiếp cận thông tin, Bộ Tư pháp đã xây dựng Quy chế cung cấp thông tin cho công dân[3] và tổ chức triển khai thực hiện; tổ chức họp báo định kỳ hằng quý, xây dựng Thông cáo báo chí định kỳ hằng tháng về các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Báo pháp luật Việt Nam điện tử; đồng thời, gửi đến Văn phòng Chính phủ để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ theo quy định.
Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn tài liệu, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biển nội dung cơ bản của các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6; tổ chức các Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến”; thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc gắn với đánh giá 05 năm thực hiện Ngày Pháp luật; trọng tâm là tổ chức thành công Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018 tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước…
 
 
 
[1] Bao gồm: (1) Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 11/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4; (2) Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO); (3) Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; (4) Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015; (5) Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 16/01/2018 của Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục; (6) Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/01/2018 về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con trong tình hình mới; (7) Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Tiếp cận thông tin; (8) Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2014 - 2018; (9) Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp, nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực; (10) Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2020; (11) Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; (12) Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; (13) Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; (14) Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; (15) Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 29/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; (16) Quyết định số 851/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5; (17) Quyết định số 31/2018/QĐ-TTg ngày 03/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; tài chính; ngân hàng; (18) Nghị định số 124/2018/NĐ-CP ngày 19/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại; (19) Nghị định 129/2018/NĐ-CP ngày 24/9/2018 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; (20) Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư và (21) Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: Dân tộc; Môi trường; Ngân hàng, tiền tệ và 23 đề mục.
[2] Tại văn bản số 522/TTg-TH ngày 20/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu các Bộ triển khai ngay nhiệm vụ Chính phủ giao; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
[3] Quyết định số 1301/QĐ-BTP ngày 07/6/2018.