Bộ Tư pháp tiếp tục xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp

Tin tức

Bộ Tư pháp tiếp tục xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp

Một số kết quả đáng chú ý về công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp trong năm 2018 cụ thể như sau:

1. Công tác cải cách hành chính
Bộ Tư pháp tiếp tục chú trọng công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2017 đã tăng 02 bậc lên xếp thứ 4/19 Bộ, ngành được đánh giá, trong đó Bộ Tư pháp được đánh giá là một trong các Bộ thực hiện tốt nhất việc chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính.
Nhằm kịp thời phát hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định, TTHC không cần thiết, không phù hợp, chồng chéo bảo đảm đơn giản hóa các quy định, TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, trong năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) năm 2018[1]; ban hành 11 quyết định công bố TTHC mới được ban hành, được sửa đổi, bổ sung, được chuẩn hóa, thay thế, bãi bỏ trong 10 lĩnh vực: phổ biến, giáo dục pháp luật; đấu giá tài sản; hòa giải thương mại[2]; quốc tịch[3]; chứng thực[4]; bồi thường nhà nước[5]; trợ giúp pháp lý[6]; lý lịch tư pháp[7]; hòa giải ở cơ sở[8] thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm TTHC, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của một số Bộ[9]. Đây là cơ sở để các Bộ nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan trong thời gian tới.
Triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/20118 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện (kèm theo Quyết định số 2440/QĐ-BTP ngày 28/9/2018) và hiện đang xây dựng dự thảo Đề án tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ. Ngoài ra, trong năm 2018, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ và tổ chức Hội thảo cải cách hành chính lấy ý kiến về các yếu tố tác động đến sự hài lòng của người dân.
2. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin
Tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, ứng dụng công nghệ thông tin đã được Bộ Tư pháp chú trọng và đạt nhiều kết quả cụ thể, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp xếp thứ 3/19 Bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử (ICT Index). Trong năm 2018, bên cạnh việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác trọng tâm của Bộ theo đúng kế hoạch đề ra từ đầu năm của ngành Tư pháp (Pháp điển, Trợ giúp pháp lý, Thi hành án dân sự...), tăng cường sử dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số thay thế dần văn bản giấy trong cơ quan, đơn vị và tiếp tục chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh cho Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ, Bộ đã hoàn thiện và ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp phiên bản 1.0 (kèm theo Quyết định số 2438/QĐ-BTP ngày 27/9/2018).
Trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tư pháp đã xây dựng, triển khai phần mềm quản lý hành chính tập trung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực nuôi con nuôi, quản tài viên, trọng tài thương mại; lý lịch tư pháp (tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và 63 Sở Tư pháp) và dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (tại địa chỉ http://dichvucong.moj.gov.vn). Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về việc triển khai Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin điện tử đăng ký hộ tịch trực tuyến (phục vụ người dân gửi trực tuyến yêu cầu đăng ký khai sinh, khai tử, cấp bản sao trích lục hộ tịch...) nhằm hỗ trợ các địa phương chưa có Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch tại cả 03 cấp chính quyền, góp phần cung cấp thêm một kênh thông tin hỗ trợ người dân tiến hành gửi yêu cầu đăng ký hộ tịch một cách thuận tiện.
 
 
[1] Quyết định số 957/QĐ-BTP ngày 26/4/2018.
[2] Quyết định số 40/QĐ-BTP ngày 08/01/2018; Quyết định số 495/QĐ-BTP ngày 23/3/2018; Quyết định số 500/QĐ-BTP ngày 26/3/2018.
[3] Quyết định số 1021/QĐ-BTP ngày 08/5/2018.
[4] Quyết định số 1024/QĐ-BTP ngày 09/5/2018.
[5] Quyết định số 1442/QĐ-BTP ngày 26/6/2018.
[6] Quyết định số 1540/QĐ-BTP ngày 06/7/2018; Quyết định số 2434/QĐ-BTP ngày 26/9/2018.
[7] Quyết định số 2244/QĐ-BTP ngày 29/8/2018.
[8] Quyết định số 2338/QĐ-BTP ngày 06/9/2018.
[9] Các bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018).