Những sáng kiến nổi bật trong triển khai công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2018

Tin tức

Những sáng kiến nổi bật trong triển khai công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2018

Trong năm 2018, công tác cải cách hành chính tiếp tục được Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Với vai trò là thanh viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều sáng kiến trong việc thực hiện công tác cải cách thể chể, cụ thể như sau:


1. Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính quy định liên quan đến lý lịch tư pháp, yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực (kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018) thuộc phạm vi chức năng quản lý của các Bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
2. Để cụ thể hóa các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nghị định được bố cục gồm 06 Chương và 37 Điều, theo đó tập trung quy định chi tiết các nội dung được Luật giao, bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; Khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường; Xác định các chi phí khác được bồi thường; Xác minh thiệt hại; Chủ động phục hồi danh dự; Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai; Xác định mức hoàn trả, giảm mức hoàn trả; Thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả; Xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường. Có thể nói điểm nhấn quan trọng nhất của Nghị định là lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật về bồi thường, những quy định của Luật được cụ thể hóa một cách chi tiết, đầy đủ và là cơ sở quan trọng cho việc áp dụng pháp luật được thuận lợi và thống nhất hơn.
3. Nhằm tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của nghề luật sư trong xã hội, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư. Theo đó, Nghị định đã bổ sung 05 điều, sửa đổi 06 điều, bãi bỏ 01 điều, giữ nguyên 38 điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP. Cụ thể, sửa đổi các quy định nhằm nâng cao chất lượng luật sư (về tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, phẩm chất đạo đức tốt của luật sư; về miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư); sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức Đại hội của tổ chức xã hội - nghề nghiệp và thủ tục bãi nhiệm các chức danh của tổ chức xã hội - nghề nghiệp (đối với Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư) và sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; thu hồi Giấy phép thành lập của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; thu hồi Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài.
4. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[1] về việc yêu cầu: “rà soát, đề xuất các phương án cải cách, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý: tối thiểu cắt giảm là 50% điều kiện kinh doanh”, ngày 08/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1319/QĐ-BTP phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, với tổng số 49/94 điều kiện kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, đạt tỷ lệ 52,13%. Để thực thi phương án nêu trên, Bộ Tư pháp đã: trình Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2018/NĐ-CP ngày 19/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại và đã cắt, giảm được 08 điều kiện kinh doanh; trình Chính phủ xem xét ký ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và hiện đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng 01 Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật quy định về điều kiện kinh doanh.
5. Trên cơ sở kết quả 03 năm thực hiện Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (phê duyệt kèm theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ) (Đề án 19) và từ thực tiễn phát sinh phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) mới trong thời gian qua; đồng thời, trên cơ sở đề nghị của đa số các địa phương trên toàn quốc, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đối với Quyết định về việc tiếp tục thực hiện phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến.
Dự thảo Quyết định đã xác định việc tiếp tục thực hiện phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến quy định tại Đề án 19 trên phạm vi toàn quốc; đồng thời, bổ sung thêm phương thức đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến kết hợp cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính. Theo đó, bên cạnh phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến quy định tại Đề án 19, cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP có thể đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến, gửi hồ sơ yêu cầu và nhận Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính. Cách thức đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến và cách thức gửi hồ sơ và nhận Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định tại Đề án 19.
 

 


[1] Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Công văn số 174/TTg-KSTT ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.