Khánh Hòa: Tổ chức tuyên truyền cải cách hành chính cho công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ đã báo cáo kết quả nổi bật của công tác CCHC của tỉnh Khánh Hòa, trong đó tập trung 07 nội dung, cụ thể: Cơ chế một cửa – một cửa liên thông (100% các cơ quan, địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh đã áp dụng Bộ phận Một cửa hiện đại và triển khai sử dụng Phần mềm Một cửa điện tử); Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (từ tháng 7/2014 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và xử lý thành công 24.887 hồ sơ trực tuyến); thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công ích (tỉnh đã công bố tiếp nhận và trả kết quả 02 thủ tục; trả kết quả 233 thủ tục và tiếp nhận 44 thủ tục); triển khai hệ thống tin nhắn tự động đến khách hàng (chính thức áp dụng tại 19 Sở, 8 huyện từ tháng 6/2017 và đã gửi đến khách hàng 92.107 tin nhắn); Hiện đại hóa hành chính (toàn tỉnh có 165 trang thông tin điện tử công khai TTHC và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, 180 trang E-Office, 4.600 tài khoản thư điện tử công vụ và 640 chứng thư số chuyên dùng tích hợp trên phần mềm E-Office); Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan, tổ chức (năm 2017, triển khai khảo sát 399 cơ quan, đơn vị với 25.500 phiếu khảo sát); Kết quả chỉ số PCI, PAPY, PAX-INDEX của tỉnh Khánh Hòa do Trung ương công bố (năm 2016, chỉ số PAX-INDEX của tỉnh đứng thứ 12/63 tỉnh, thành). Đồng thời, Đ/c Minh cũng đã trình bày những định hướng của tỉnh về công tác CCHC trong thời gian tới như: trực tuyến hóa dịch vụ hành chính công, chính quyền điện tử; cải cách tổ chức bộ máy và tài chính công; tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kỷ cương hành chính; triển khai 03 Đề án, Chương trình lớn như Đề án thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công, Đề án Định lượng hóa công việc và Chương trình phát triển nguồn nhân lực.
Đây là dịp để công chức tư pháp – hộ tịch biết và hiểu sâu sắc hơn về quan điểm, mục tiêu, nội dung và sự cần thiết phải thực hiện cải cách hành chính. Từ đó, nhận thức được vai trò, vị trí của người cán bộ tư pháp – hộ tịch trong công tác CCHC, tiếp tục nỗ lực, hành động thiết thực góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân ngay từ cơ sở.